Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Chat với chó Puppy


Chat với chó Puppy

Khương Đình, 29/5/2012

1. Tên mày là Puppy. Hai cô Nguyên và Hà đặt cho mày cái tên như thế. Hình như cái tên này có xuất xứ từ một câu chuyện thần tiên hay hoạt hình nào đấy, tao không biết. Còn vợ tao thì thích gọi mày là Ki. Tao cũng chẳng biết tại sao bà ấy lại gọi mày như thế. Có lẽ gọi như thế thuận mồm hơn hay sao ấy. Tính bà ấy vốn ưa đơn giản. Nhưng dù sao thì mày cũng có hai tên gọi, tùy từng lúc, từng người mà mày được gọi bằng những cái tên khác nhau. Tao thì chưa bao giờ dùng hai cái tên ấy để gọi mày. Mà có lẽ mày cũng không biết người ta đã đặt cho mày đến hai cái tên ấy đâu, vì tao để ý thấy mày cũng chẳng có phản ứng khá hơn mỗi khi được gọi đích danh. Việc mày mừng hay quấn quýt họ chỉ là vì họ là chủ mày thôi. Ấy là tao cứ đoán thế. Mày quý chủ, đương nhiên rồi, nhưng không phải vì cái tên họ đặt cho mày, mà vì cái lòng trung thành tận tụy với chủ của loài chó mà thời nào người ta cũng trân trọng. Còn tao thì chẳng đặt cho mày cái tên nào cả. Mỗi khi gọi mày, tao chỉ huýt sáo, và tao thấy mày rất biết lắng nghe. Tao để ý thấy mỗi khi mày sướng lên, tế thẳng ra giữa đường, phi sang cửa nhà hàng xóm, tao sợ mày bị xe kẹp hay bị chó dữ nhà họ tấn công, liền huýt sáo gọi, mày lại ngoan ngoãn quay lại ngay. Hay mày cũng có tâm hồn âm nhạc nhỉ?

2. Quê mày ở Thanh Hà. Cậu Phương mang mày đến Hà Nội khi mày mới mấy tuần tuổi, còn non lắm. Tao không chứng kiến ngày đầu tiên khi mày gia nhập vào gia đình tao. Nhưng tao nghe kể lại khi ấy mày còn bé tý, chỉ bằng cái cổ tay, lông xồm trắng muốt, điểm xuyết mấy đốm nâu quanh đầu và trên lưng, trông rất xinh. Cả nhà tao yêu quý mày. Chỉ mỗi tội mày hay ốm yếu, phải bú sữa suốt. Mỗi khi mày ốm là cả nhà tao lại buồn như đưa đám. Hai đứa con gái thì cứ hoắng cả lên; thuốc, sữa và bánh ngọt là những thứ chúng có thể dâng đến miệng cho mày, giúp mày qua khỏi những ngày dặt dẹo. Một năm sau, mày thành cậu chó choai. Tò mò, nghịch ngợm và ngứa răng kinh khủng. Mỗi khi nhà tao đi ngủ hay vắng nhà là mày cứ nhè mấy đôi dép để ở ngoài cửa mà cắn cho nát bét ra. Mày đòi vào nhà, đòi được âu yếm, vuốt ve, đòi được ở bên người. Mỗi khi được chủ vuốt ve, tao thấy đôi mắt mày lim dim, ngoan hiền đến nhũn cả người ra. Có lẽ tính mày cũng thuộc loại yếu mềm nên mới thích được ve vuốt đến thế. Có đôi lần hiếm hoi vào mùa đông, tao thấy mày đứng trước cửa nhà, ngửa cổ lên và hú mấy tiếng, nhìn thấy cả dòng hơi nóng hổi tỏa ra từ cái miệng rộng ngoác của mày . Hình ảnh ấy gợi cho tao liên tưởng đến tiếng hú của loài sói, tổ tiên của mày. Những lúc ấy, trông mày thật hùng dũng. Tao làm cho mày một cái nhà riêng ngay trước cửa, có mái che, có cả đệm bông để cho mày tránh gió lạnh mùa đông, tránh mưa táp mùa hè. Nhưng hình như mày không thích sống trong cái nhà chật hẹp ấy, nó gò bó quá thì phải? Tao để ý thấy chỉ khi bí bách lắm thì mày mới chui vào đó chốc lát thôi. Có lẽ mày thích một đời sống tự do phóng khoáng và được yêu chiều?

3. Mày đúng là một con chó ngoan, có lòng trung thành mẫu mực của loài chó. Mỗi khi cả nhà đi vắng, mày thường nằm quay đầu nhìn ra cổng, hoặc lấy đà phi thẳng đôi chân vào cánh cửa cho nó bật ra rồi nằm phủ phục giữa cửa để tiện canh nhà, và sẵn sàng sủa to cái giọng gay gắt đến lồng lộn cả lên khi thấy bóng người lạ. Mày biết rõ giờ giấc đi về của mỗi người trong nhà. Cứ đến trưa và chiều là tao lại thấy mày loay hoay ở ngoài cửa chờ đón mọi người đi làm về. Mày phóng ra cửa thật nhanh, đạp vào cánh cửa ầm ầm rồi quẫy đuôi rối rít mừng đón chủ đi làm đi học về. Nếu có ai về muộn, mày cứ đi ra đi vào, nằm ngóng ra cửa chờ họ. Mỗi sáng biết tao đi chợ là mày lại nằm phục ở cửa chờ tao về vì mày biết thế nào cũng có cái gì ăn được, mày xông vào đánh hơi rối rít tất cả những gì tao mang về. Khi tao đi xa lâu ngày mới về, mày thường chạy ra đón, không chỉ quẫy đuôi, mà còn rên rít lên, thậm chí sủa gâu gâu, ra chiều mừng lắm lắm. Cái điệu bộ của mày làm tao cảm động vô cùng.

Nhưng mày cũng có nhiều tính xấu. Ngoài cái tội ngứa mồm cắn càn giầy dép, mày hay ngồi chầu hẫu nhìn mồm mỗi khi cả nhà ăn cơm. Trong khi cái mồm mà nhểu ra từng giọt rãi thì đôi mắt mày cứ dán vào mồm người ta, cứ như thể mày muốn lôi miếng ăn ra khỏi miệng, làm tao thấy mày tội nghiệp đến tức cười. Đôi khi mày còn cả gan sủa lên gâu gâu đòi thức ăn dù mày chưa bao giờ đi quá giới hạn, tự ý ăn trộm mà chỉ đòi thôi. Mỗi khi mày muốn đi ra ngoài, mày chạy ra cửa, ngoái cái đầu lại như thể mày đang nói “mở cửa cho tôi ra ngoài tý”, làm cho bất kỳ ai đang bận tay chân cũng phải chiều ý mày mà đi mở cửa. Rồi mỗi khi mưa gió sấm chớp là mày lại như lên cơn điên, đập cửa liên hồi, cào tan cái cánh cửa ra vào. Tao đoán là mày sợ sấm chớp ghê lắm, nhưng có lẽ tao đã không hiểu được suy nghĩ của mày, không hiểu được rằng mỗi khi mày sợ sấm chớp, mày ngại gió rét, nắng nóng, mày muốn vào nhà, để được yêu chiều, chở che, nhưng tao lại chỉ muốn mày ở ngoài sân, ở nhà ngoài nên mày tức, mày đập cửa gọi, làm tao càng tức hơn. Những lúc ấy, tao chỉ muốn đập cho mày một trận để chừa cái thói thích làm loạn ấy đi. Giờ nghĩ lại, tao vẫn băn khoăn không biết mày có trách móc gì tao không, ví như tao đã không để ý gì đến nhu cầu chính đáng của mày, lại còn đập cho vài cái dép? Thực ra thì tao chỉ làm cái công việc của một ông chủ thôi, nhưng hình như mày không giận tao, chí ít ra thì tao cũng nghĩ như thế, và tao biết ơn mày về điều ấy. Hình như mày chỉ sợ thôi, vì có thể mày cũng biết cái trò đập phá như thế là quá đáng, sẽ bị phạt, nên mày thấy tao ra là cụp đuôi len lén chuồn hoặc cùng bất đắc dĩ, quỳ xuống quẫy đuôi rối rít biết lỗi?

3. Con vật mà mày ghét nhất có lẽ là chuột. Tài săn chuột của mày cũng đáng nể lắm. Tao vẫn nói với mọi người trong nhà rằng nếu không có mày thì cái nhà này có lẽ lúc nào cũng lúc nhúc cái lũ ăn tàn phá hại ấy. Mỗi khi đánh hơi thấy mùi chuột, mày sẵn sàng lục tung cả đống đồ lên, lồng lộn tức tối nếu chưa lôi ra được con chuột nào, và chưng hửng tiếc đến ngơ ngác nếu để nó chạy mất. Tao còn nhớ có lúc thấy chuột trên cây ổi, mày đã lồng lên, sủa mạnh đến nỗi có con hoảng loạn rơi cả xuống đất, và dĩ nhiên những con chuột vô phúc ấy không thể thoát được đôi nanh sắc nhọn của mày. Những lúc mày săn chuột, tao như thấy hình ảnh của một dũng sỹ, nhanh, mạnh và hành động bằng tất cả trí khôn và sức mạnh phi thường của mình để đạt mục đích. Mày thường làm um lên để buộc tao phải đến hỗ trợ. Về mặt này thì mày là con chó rất khôn ranh.

Tao rất ấn tượng cái cách mày làm thịt lũ chuột, dù là mày săn được, hay tao vô tình để mày cướp được chuột dính bẫy. Mày vồ lấy con chuột, nhe nanh bổ một nhát làm vỡ sọ con mồi, mạnh đến nỗi tao còn nghe thấy cả tiếng sọ chuột tan ra rau ráu trong miệng mày. Bao giờ cũng thế, sau khi cắn vỡ sọ chuột mày mới ngấu nghiến cho nó nát bét ra. Ban đêm, đôi khi bầy chuột đói liều mình lao xuống trộm đồ ăn của mày, nhiều con đã phải trả giá đắt. Tao đã nhìn thấy mày rình mồi, vồ chuột, rồi nghiến cho nó đến nhàu nhĩ như một miếng giẻ rách, cứ như thể lũ chuột là kẻ thù không thể đội trời chung của mày. Mỗi khi săn được chuột vào ban đêm, sợ bọn tao không nhìn thấy, mày nghiến cho nó nát ra rồi tha cái xác ấy để ở giữa cửa. Hình như mày muốn báo cáo chiến tích cho cả nhà? Thế nhưng nếu ai định lấy con chuột ra khỏi tầm kiểm soát thì mày lại rồ lên. Lúc ấy trông mày hung dữ lạ thường. Máu tanh của loài chuột kích thích mày chăng? Hay mày cũng giống tao, căm ghét đến tận tâm can loài gặm nhấm chuyên nghề vụng trộm?

4. Có Ông Giời làm chứng, cho đến tận phút cuối cùng của cuộc đời, mày vẫn là một con chó đực trinh trắng chưa từng nếm trải mùi đời. Tao không biết thế là tốt hay xấu cho mày, nhưng tao biết mày đã khắc khoải ngóng chờ một cô chó cái để được làm cái công việc bản năng duy trì nòi giống. Chính tao cũng mong mày làm được như thế, để lưu lại cho đời hậu duệ của loài chó có loại gien bản năng sát thủ đối với loài chuột. Nhưng hỡi ôi, làm sao để giúp được mày đây? Tao cũng đã từng nghĩ cách, nhưng không muốn mày dính dáng đến cái bọn chó hoang đàng xấu xí ở ngoài đường. Tao sợ chúng ăn hiếp mày, làm mày bị tổn thương, thậm chí cắn xé mày đến chết. Hình như tao đã có chút ích kỷ ở đây thì phải. Nhưng tao kính trọng sự kiên nhẫn vô biên của mày, trong việc phát đi tín hiệu yêu đương qua những giọt nước tiểu vàng sậm đậm mùi cầy, mà tao vẫn nói vui rằng đấy là những gọt tình thư của loài chó. Mỗi khi được ra cửa là mày lại chạy xăng xái, miệt mài phát tán tình thư, mỗi nơi vài giọt. Cũng có lúc tao thấy có nàng chó cái vằn vện xấu xí nhà bên như bị say cái mùi hương hắc đến nồng nàn mà mày đã rải vào đất, gửi vào gió. Có lần tao thấy nó đến hít ngửi cái mùi hương tình của mày ở cửa, và mày đã xúc động đến nỗi quỵ cả gối xuống khi nhìn thấy bóng dáng nàng. Nhưng sao mày lại thế nhỉ? Mày sợ chăng, hay quá xúc động vì tấm thịnh tình của nàng? Tao không biết tại sao mày lại yếu mềm thế, chỉ biết khi cơn sốc qua đi, mày lao ra thì cô chó cái nhà bên đã biến mất sau cánh cửa rồi. Tao tin cái con chó cái chết tiệt kia không thể hiểu được tấm lòng trinh trắng, tình yêu lãng mạn và lòng mong đợi đến khắc khoải được thực thi cái bản năng truyền lại từ tổ tông là phải duy trì giống nòi. Kiếp này mày đã không làm được cái việc cao quý ấy nên tao mong rằng nếu có kiếp sau, dù là người hay chó, thì mày cũng sẽ được nếm trải hạnh phúc và đau khổ của tình yêu giống như con người vậy.

5. Mặc dù chưa được nếm trải mùi đời, nhưng mày đã có lần phải trả giá đắt cho cái tính lãng mạn mộng mơ khi gửi tình thư vào đám đất trước nhà. Hình như con béc-giê đực mõm đen hung tợn nhà hàng xóm không chịu nổi cái mùi hương đầy thách thức của mày, hay nó lo sợ con bạn gái của nó sẽ mê mùi hương ấy mà đi theo mày. Chỉ biết nó đã lên cơn ghen cuồng thì phải, và nhờ thế mà tao được biết cái đòn ghen của loài chó chúng mày kinh khủng đến nhường nào. Tao còn nhớ khi mày đang mải mê gửi tình thư vào đất thì con béc-giê của nhà bên bất ngờ lao ra. Hình như nó đã rình ở đây từ lâu lắm, chỉ có mày ngây thơ mới không biết điều đó. Trong chớp mắt, nó đã ngoác cái hàm răng lởm chởm nhọn sắc cắm phập vào bụng mày. Nó day nghiến đến lòi cả ruột ra làm mày đau đớn trong hoảng loạn, và chỉ chống đỡ yếu ớt theo bản năng. Cô chủ Hà của mày phát hoảng khi thấy mày bị tấn công bất ngờ, thương mày quá, cô ấy đã liều mình dùng tay không xông vào tát vào mõm con béc-giê. May là cô ấy không bị nó tương lại chứ không thì tao sẽ phát điên mất. Lúc ấy tao đang ở trong nhà, nghe Hà mếu máo báo tin chó nhà mình bị béc-giê cắn thủng ruột rồi. Tao chạy vội ra, thấy bụng mày trắng hếu, máu chảy từng giọt đỏ lòm từ ngoài cửa. Mẹ Hà đã gọi nhân viên thú y. Nhưng cái bà thú y ăn hại ấy chẳng được tích sự gì. Rọ mõm cũng chẳng được, ghì mày vào cửa bằng dây xích cổ cũng không xong vì mày chống cự kịch liệt, không cho băng bó tiêm chích gì. Bà ấy đi về sau khi lấy mấy chục tiền công vô tích sự, với lời khuyên nhủ rằng “chó liền da, không sao đâu”. Hôm sau, tao và Hà thuê taxi chở mày đến bệnh viện chó ở đường Trường Chinh. Phải tiêm đến hai mũi thuốc mê mày mới xỉu để chịu cho xử lý vết thương. Đến đây tao mới biết mày đã bị con chó nhà bên cắn nhiều lần, những vết thương còn chưa lành, phải khâu thêm nhiều mũi. Thương mày quá, tao chỉ muốn băm vằm con chó đã tấn công mày cho hả giận. Hình như ông Giời cũng nghe được lời nguyền rủa của cả nhà tao. Chỉ một ngày sau, tao đã nhìn thấy con chó độc ác ấy phải đền tội. Bọn cửu vạn nhà bên làm thịt con béc-giê ấy và đánh chén đến hai ngày mới hết. Còn mày thì uống kháng sinh đến rạc cả người mới hồi phục. Nhưng có lẽ vết thương kiểu đòn thù của con béc-giê đã làm mày tổn thọ.    

6. Mày sinh năm 2001. Vậy là đến nay mày đã sống với chúng tao được hơn 11 năm. Theo cách tính tuổi của loài chó thì cứ một năm tuổi của loài người tương đương với 7 năm tuổi của loài chó. Vậy là năm nay mày đã sống thọ xấp xỉ 80 tuổi rồi. Tao nghe nói đời của một con chó tối đa cũng chỉ đến 13 – 15 năm thôi. Vì thế, tao hay gọi đùa mày là Cụ. Thế cũng chẳng sai, vì mày cũng đã sống đến hàng thượng thọ rồi. Ở quê tao đến tuổi ấy người ta phải làm lễ khao làng để được gọi là cụ Thượng đấy. Còn nói như cái ông Cụ gì có chòm râu bạc mà người ta vẫn tôn là bậc thánh nhân ở đất nước này thì mày đã thuộc vào hạng “xưa nay hiếm” rồi. So với mấy con chó nhà hàng xóm thì mày có phần may mắn hơn nhiều. Bọn ấy thường chỉ có tuổi đời vài ba năm là chủ của nó lại đem ra làm thịt đánh chén hoặc bán cho mấy lò mổ kiếm tiền. Còn chúng tao yêu mày, không bao giờ tàn bạo làm cái việc thất đức như thế.

Hồi mùa đông cuối năm ngoái, mày ốm yếu quá. Đêm giao thừa mày vẫn còn loăng quăng vui như tết, vẫn đập cửa rầm rầm đòi vào nhà khi mọi người đi ngủ. Nhưng sáng hôm sau mày đã nằm lỳ bất động giữa sân. Sáng sớm, Nguyên và Hà nâng mày dậy, mày cứ rũ xuống. Bọn nó tưởng mày sắp chết, cứ ôm mày khóc hu hu ngay buổi sáng đầu năm. Thế nhưng khi tao mở cổng, mày vùng dậy phóng vút ra ngoài đường. Có lẽ bản năng sinh tồn mách bảo mày ở ngoài kia, sau cánh cổng sắt ấy, có niềm vui thú đang mong đợi mày chăng? Nhưng tao biết, mày đã ở cái tuổi xế chiều, dù mày vẫn muốn được đạp vào cánh cửa làm cho nó bật ra, để được phóng vút ra ngoài, được quýnh quáng gửi vào đất những giọt tình thư màu vàng đậm nồng nặc mùi hương mà chỉ những nàng chó cái mới mê được. Thế rồi sau cái đận Tết năm ngoái ấy, mày đã dần mất đi cái chất tinh anh vốn có của loài chó ở tuổi tráng niên. Mùa đông năm nay, tao đã nhìn thấy dáng mày đi xiêu vẹo, mỗi khi ra ngõ lại nhướng cái mõm lên hít hà không khí ban mai, rồi chậm rãi gửi vào đất những giọt tình thư, sau đó lật đật đi vào nhà như kẻ mộng du không hồn, thỉnh thoảng lại ngã dúi dụi xuống đất, một hồi lâu mới tỉnh lại được. Tao nghe nói giống chó thích thịt sống. Người ta bảo mỗi tuần nên cho chúng ăn một ít thịt sống để tinh anh hơn. Sẵn trong nhà có thịt ngựa tươi để trong tủ lạnh, cứ mỗi sáng tao lại cắt mấy miếng cho mày ăn. Tao ngạc nhiên là mày thích thịt ngựa đến thế, cứ nhắng cả lên. Sau mấy tuần xơi hết mấy ký thịt ngựa, mày khỏe ra, và tao rất vui lại được nhìn cái kiểu chạy nước kiệu của mày mỗi khi ra đón người nhà, cái kiểu phi vút ra cổng mỗi khi ngửi thấy mùi lạ.

7. Khoảng hai tuần nay mày lại ốm, lần này thì trông tiều tụy hơn nhiều. Cái cơ thể tràn trề sức sống của mày mấy năm trước nay chỉ còn da bọc xương. Lông cũ không còn mượt mà vì mày không thay nữa. Nhìn dáng đi xiêu vẹo, mỗi lần nằm xuống phải khuỵu gối hay tựa vào tường, bụng ngửa tênh hênh, rồi khi ngồi dậy lại ho khụ khụ như một cụ già chính hiệu, tao lo lắng cho mày. Bọn Nguyên - Hà cho mày ăn sữa, mua giò bò giò lụa cho mày. Lúc nào mày thích hoa quả bánh trái thì cho mày thả giàn luôn, cả dưa hấu lẫn xoài và cam, cả bánh quy và bánh đậu. Tao còn mua cả thịt bò sống cho mày nữa, mày ăn đến hôm nay vẫn chưa hết đấy. Nhưng đến sáng hôm qua, thứ Hai (29/5), khi tao mở cổng buổi sáng, mày không còn nhiệt tình lao lên như trước mà chậm rãi, xiêu vẹo đi ra phía cổng. Không còn ghếch được cái chân lên nữa mà run rẩy tuôn ra cái chất vàng óng đã thiếu đi sinh khí của tín hiệu tình yêu, rồi lặng lẽ lê lết vào nhà. Tao đem giò bò nhưng mày từ chối. Cả ngày chỉ uống nước và quanh quẩn bên người. Vào buổi trưa, khi tao và Hà ngồi bên bàn nước, tao thấy mày vùng lên, nhìn vào bọn tao rồi bỗng sủa nên mấy tiếng ăng ẳng, mắt trân trối nhìn vào hư không. Chúng tao biết rằng giờ của mày đã điểm. Và Hà đã khóc. Nhưng lạ thay, sáng hôm nay (30/5) tao lại vẫn thấy mày với dáng đi xiêu vẹo lết ra cổng, tè xuống đám đất cát ngổn ngang trước nhà rồi đi vào, tìm nước uống. Mày từ chối ăn bất cứ thứ gì. Đến trưa, mày quỵ ngã ngay trước cửa nhà, trong một nỗ lực cuối cùng muốn làm sạch mình trước khi từ giã cõi đời. Tao mang mày vào trong sân, mày lết đến bên bát nước, ngụm vài giọt và nằm thoi thóp trước cửa. Đúng 12 giờ trưa, mày cố ngoái cổ lên lần cuối cùng, lấy hết sức bình sinh nhìn mọi người bằng cặp mắt vô hồn, rồi sủa lên mấy tiếng thật bi thương. Có lẽ mày đã cố gửi đến mọi người trong nhà một lời từ biệt. Sau cái nỗ lực hết sức ấy, toàn thân mày bỗng giật lên mấy cái. Một giọt nước tiểu tuôn ra. Lưỡi mày cũng tràn ra khỏi miệng, và đôi mắt tinh anh ngày trước nay bỗng mở trừng, trắng dã. Mày đã ra đi, trong kiệt sức của sự già nua. Cả nhà tao đứng nhìn mày ra đi, bất lực, lòng trào lên nỗi đau và niềm thương tiếc vô hạn. Tao bó mày lại bằng một tấm chăn, và đưa tất cả đồ dùng của mày, vòng cổ, dây xích, cả bát uống nước, đĩa đựng thức ăn, và một hộp thức ăn khô dành riêng cho chó tao đã tìm mua ở mãi siêu thị Thái Hà…

8. Nhìn mày ra đi, Hà khóc, mẹ Hà cũng khóc, còn tao không khóc được, nhưng thấy tê tái trong lòng. Hà mếu máo gọi điện báo cho Nguyên rằng Puppy đã vĩnh viễn ra đi. Nguyên vội chạy xe từ Trần Hưng Đạo về, chỉ để được nhìn thấy lần cuối cùng con vật mà nó yêu quý, chiều chuộng như một người thân, đã cùng nó vui buồn hơn chục năm qua, giờ đây vĩnh viễn vắng bóng trong ngôi nhà này. Còn tao thì hiểu rằng nỗi trống vắng mày để lại là quá lớn, và còn lâu bọn tao mới có thể khỏa lấp được. Nhưng tao biết, mày đã sống một cuộc đời đích thực, trong sự yêu thương chăm sóc của mọi người, với tất cả niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau. Khi ra đi mày đã mang về thế giới vĩnh hằng cả niềm khắc khoải muốn được yêu, được sống một đời sống tràn đầy trách nhiệm tái tạo giống nòi. Nhưng thôi, cuộc đời là thế, có niềm vui, nỗi buồn và cả những khắc khoải mong đợi chưa thành. Bọn tao mong mày hiểu rằng mày đã được yêu thương, và mày cũng đã mang đến cho chúng tao tình yêu quý loài chó, những cảm xúc vô bờ để thấu hiểu được nỗi đau thương mất mát khi mày ra đi. Mãi mãi trong tâm khảm, bọn tao không bao giờ quên những năm tháng mày đã sống dưới ngôi nhà này. Tao tin rằng bọn tao đã yêu quý mày, còn hơn cả nhiều đồng chí sống trong nhà đỏ ngày nào cũng rêu rao vì dân vì nước, nhưng không một mảy may xúc động, không có đến một giọt nước mắt của lòng trắc ẩn trước những số phận đau thương khắc khoải của đồng loại. Bọn tao đã nhỏ lệ khi mày vĩnh viễn ra đi, nhưng chắc chắn sẽ rất dửng dưng nếu cái bọn gọi nhau là đồng chí trong ngôi nhà đỏ ấy phải từ giã cõi đời.      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét