Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Đại biểu dự khuyết

Đại biểu dự khuyết

Posted on Sunday, June 05, 2011 4:44 PM


Vác bộ mặt thiết bì hằm hằm như thiên lôi lao sầm vào nhà, lẳng mạnh chiếc cặp da nặng trịch xuống dưới nền gạch, ông thả mình đánh huỵch xuống bộ xa-lông kềnh càng giữa nhà. Ngày thường ông rất nâng niu cái laptop vốn chỉ dùng để làm vật trang trí cho hình ảnh đại trí thức của mình, nhưng hôm nay ông mặc kệ muốn ra sao thì ra. Tiếng ông rít lên: “Mẹ nó chứ, cả một lũ chó chết!” Bà vợ nghe tiếng gầm của chồng, biết có sự chẳng lành, vội chạy ra, giọng cầu thân: “Anh đã về đấy à, em đang nấu cơm trong bếp. Để em lấy nước nhé?” “Thôi!” Ông lại gào lên, làm cho bà vợ đang ngoác cái miệng hết cỡ làm duyên nịnh chồng bỗng im bặt. Bà ngậm miệng lại, đôi môi dầy thâm trề xuống hơi giật giật, trông giống như con đỉa trâu đang đung đưa vắt ngang cái miệng ngoác đến tận mang tai, còn đôi mắt vốn hiêng hiếng của bà giờ nghếch hẳn lên trời, giống như người ngưỡng thiên. Nhìn bộ dạng vợ như vậy, ông đã tức lộn ruột, định quát một câu cho bõ tức nhưng lại cụp mặt xuống. Còn bà thì cứ thế đứng như trời trồng, im lặng, vì bà biết những lúc như thế này, không một lời nào an ủi được. Cứ mỗi lần thất bại đâu đó bên ngoài là y như rằng ông lại về nhà lên cơn điên. Khác với cái vẻ cục mịch với khuôn mặt thiết bì của anh lái trâu, mỗi khi đi ra ngoài ông đều phải đóng vai giả nai. Chỉ khi về đến nhà ông mới được trở lại là con người thật của mình. Và mỗi khi ông chửi đổng, cái bộ mặt thiết bì của ông lại vênh lên như thể trên đời này, ông chẳng coi thằng đếch nào ra gì. Chúng nó đều là một lũ có mắt như mù, không thấy rằng ông mới là người có tài kinh bang tế thế.

Cũng đáng khen cho bà, mỗi khi ông nổi cơn lôi đình, người phải chịu trận bao giờ cũng là bà vợ ngoan hiền nhẫn nhục đã trót tôn ông làm VUA của đời mình. Thấy vợ đứng im, ông bắt đầu rủa xả, như một cách bộc bạch tâm sự với vợ: “Mẹ chúng nó chứ, mấy thằng nhãi nhép với mấy con Thị Mầu, chúng nó thỏa thuận ngầm sau lưng mình cả rồi còn giả vờ bầu bán, mình già đời thế này mà còn bị chúng nó lừa!” Ah, bây giờ thì bà vợ đã hiểu ra cơ sự. Hóa ra là ông vừa đi dự Đại hội Đảng bộ mới về. Từ mấy hôm trước bà đã thấy ông tất bật chuấn bị quà cáp, đi lại thậm thụt ở nhiều cửa ngõ trong thành phố, và nghe nói nơi nào cũng hứa như đinh đóng cột đợt này sẽ chống lưng để ông chơi canh bạc cuối cùng. Nhiệm kỳ sau thì làm gì còn cơ hội nữa, hết bố nó tuổi cơ cấu rồi (!). Ai ngờ hôm nay, sau bài phát biểu hùng hồn mà ông đã tốn hàng tuần ngẫm nghĩ và phải mất nhiều lần quà cáp để thằng thư ký đưa vào nghị trình đại hội, thế mà “chúng nó” lại chỉ bầu cho ông phiếu vớt. Ông ngậm ngùi nhận cái vị trí “đại biểu dự khuyết” đi dự Đại hội Đảng bộ Thành phố, bụng bảo dạ: Thế này thì còn nước mẹ gì nữa, chỉ khi có đứa nào trong cái đám “nhãi nhép” và lũ “Thị Mầu” kia bị “bất đắc kỳ tử” hay “thập tử nhất sinh” thì mới đến lượt ông. Nghĩ đến đấy ông lại điên tiết.

“Được cơm chưa mang ra đây ăn rồi còn nhiều việc!”. Ông bỗng quát lên. Vợ ông líu ríu chạy như một con rô-bốt. Chỉ một loáng, bà đã lễ phép mời ông vào xơi cơm. Ông vừa đi vừa hạ giọng cụt lủn: “Mang hộ chai rượu hổ cốt ra đây”. Cái kiểu nói khô khốc như một mệnh lệnh của ông có vẻ tạo cho ông một uy quyền không thể chối cãi. Ít ra thì trong cái nhà này không ai dám cãi lại ông bao giờ. Nhân viên dưới quyền ông cũng thế. Đứa nào léng phéng ông cho chết đứ đừ ngay. Chai rượu này do một thằng đàn em khúm núm mang đến để xin ông xác nhận cho nó đã từng hướng dẫn học viên làm luận văn thạc sỹ và tham gia nghiên cứu đề tài khoa học để có đủ tiêu chuẩn xin phong học hàm phó giáo sư. Ông giữ chai rượu lộc ấy đã lâu, nửa muốn đem biếu cấp trên để lấy lòng, nửa muốn giữ lại để tẩm bổ sức khỏe trả bài cho bà vợ đang độ sung mãn. Nhưng hôm nay thì ông quyết mang ra uống cho bõ tức, cho quên cái sự trớ trêu đã đặt ông ở vào ranh giới của sự được - mất mà ông đã cả đời bon chen.

Bà vợ đứng dậy bật cái quạt bàn làm phát ra tiếng kêu lạch xạch. “Bật điều hòa lên!” Ông lại ra lệnh. Còn bà thì e dè: “Nhưng em sợ có mùi mắm tôm nó quyện”. “Kệ nó!” Ông quả quyết. Bữa cơm diễn ra trong im lặng, dưới ánh đèn vàng ệch vốn làm nên không khí mờ ảo và ấm cúng của phòng ăn. Chỉ có tiếng đôi đũa gỗ mun của bà va vào cái bát sứ nhè nhẹ, tiếng máy lạnh chạy rì rì, và tiếng cái ly thủy tinh mỗi lần ông nâng lên rồi lại hạ xuống trên mặt bàn đá cẩm thạch vang lên tiếng “cạch” lạnh lùng. Bà vợ nhìn ông len lét, nhai chậm chạp. Bà đã học được cách xử thế là trong những lúc thế này thì im lặng là vàng. Nếu bà dám mở mồm an ủi thì, ối cha mẹ ơi, bà chẳng dám nghĩ đến nữa... Bình thường, ông chỉ thích uống rượu với “đám tiểu yêu” (ông hay gọi mấy học giả đàn em của mình như thế) vì mỗi khi có rượu vào, chúng thường tuôn ra những lời ve vuốt làm ông sướng như được lên tiên. Nhưng hôm nay, ông uống một mình và tự suy ngẫm. Cái giống rượu màu hổ phách này nghe nói khó uống lắm, thế mà sao hôm nay cứ mỗi giọt thấm vào, ông lại thấy mình lịm đi thế này. Nhìn thấy nắm ớt hiểm trên mâm cơm, ông vồ lấy một quả, đưa lên mồm nhai “ráu” một cái, rồi tợp một ngụm, rồi chau mày nhăn mặt. Bà ngồi nhìn ông uống, một lúc sau, thấy ông trào nước mắt. Hình như ông khóc. Đôi mắt ông vốn lồi như mắt trâu, lòng trắng nhiều hơn lòng đen, mỗi khi nhìn xoáy vào ai thì người ấy chỉ có mà chết khiếp, hôm nay bỗng vằn lên những tia đỏ nhằng nhịt như mắt lũ trâu chọi ở quê ông. Khiếp quá, bà bỏ đi dọn dẹp, để mặc ông lặng lẽ chìm vào suy tưởng.

Ông thấy đời mình gặp nhiều may mắn. Không may mắn sao được khi ông vào đại học chỉ cần ghi danh xét tuyển chứ không phải thi. Vậy mà chỉ một năm sau thôi thì chúng nó phải thi trối chết mới chen được chân vào chốn học đường. Ông nhớ lại cái ngày bố dẫn ông lên Hà Nội nhập học. Ôi, sao cái ngày ấy nắng lại vàng thế, mà hình như nó rất dịu. Bây giờ làm gì còn thứ nắng vàng dịu ấy nữa. Nắng bây giờ đã chuyển sang mầu lửa mất rồi. Lúc ông rời làng, lối ngõ nhỏ đầu nhà có những đàn bướm đủ màu trắng, vàng, đen, đỏ bay lượn tưng bừng. Không hiểu sao lúc này, đàn bướm thuở thiếu thời lại hiện ra lấp loáng trong ký ức của ông, ngọt ngào và lãng mạn. Vào đại học, ông được xếp học ngành sử. Ông dỗi, cứ nằng nặc đòi học văn nhưng không được. Bây giờ nghĩ lại, ông thấy đó là định mệnh. Ở lớp ông, bọn sinh viên gọi ông là dân “thuốc lào - cua đồng” vì dáng người nhỏ thó, chân đi chữ bát, môi mặt thâm sì, lại hay lùi vào một góc khuất để tránh các cuộc tranh luận tập thể. Bị chê là dân nhà quê, ông tức nhưng không dám đáp lại, chỉ nghĩ thầm trong bụng: “Chúng mày sai toét. Quê tao là đất Trạng Trình, có món thuốc lào không đâu sánh được, cứ hít một hơi là “phê” từ sáng đến tối”…

Một năm sau ngày vào đại học, chiến tranh lan rộng, sinh viên trong lớp ào ạt viết đơn xung phong ra chiến trường. Ông đang băn khoăn không biết mình có nên theo chúng nó không thì nhận được giấy báo nhập ngũ. Người ta phiên ông vào một đơn vị biên phòng. Chỉ một ngày sau khi mặc quân phục, ông được đưa tuốt lên tận rừng xanh. Không biết đó là định mệnh hay may mắn, nhưng sau mấy năm quân ngũ, cho đến ngày đất nước yên hàn, ông trở lại trường đại học với cấp bậc hạ sỹ, tương đương chức tiểu đội trưởng, mà không một thằng Mỹ nào đụng được đến cái sợi lông chân của ông. Mấy thằng bạn học tếu táo trêu đùa ông là dân cua đồng ngày ấy giờ không đứa nào trở lại lành lặn. Nhiều đứa đã vĩnh viễn nằm lại trong một nghĩa trang nào đó nơi miền Trung đầy nắng gió. Nhưng sướng nhất là khi nhập ngũ ông mới học nửa đầu học kỳ một năm thứ hai, bây giờ trở lại ông được đặc cách vào thẳng năm thứ ba. Được nhảy cóc nên chỉ thêm một năm nữa là ông đã tốt nghiệp đại học. Nhà trường nói đất nước sau chiến tranh cần những giảng viên đã trải qua thử thách chiến trường đứng trên bục giảng về lịch sử dân tộc, thế là ông được giữ lại làm giảng viên đại học. Đời ông như sang một trang khác. Ông được cử làm bí thư thanh niên, rồi kết nạp Đảng. Ông bắt đầu được ngửi hơi của quyền lực, và mơ màng nghĩ đến cái ngày ông đăng đàn làm cho lũ sinh viên lớn lên trong thời bình phải há hốc mồm nghe ông nói về chiến tranh mặc dù suốt mấy năm quân ngũ ông chỉ được bắn đạn thật có mỗi một lần khi tham gia săn khỉ lấy thịt cải thiện bữa ăn cho đơn vị.

Dường như số mệnh đã sắp đặt ông đi theo con đường của nó. Cái gã thầy bói ở ga Hải Phòng một lần xem tướng cho ông nhân lúc chờ tầu nói số ông có quý nhân phù trợ, thế mà đúng thật. Khi nhà nước có chủ trương đào tạo phó tiến sỹ trong nước, ứng cử viên chỉ cần có mấy bài đăng tạp chí là không phải thi tuyển mà được làm đặc cách. Cái này thì dễ ợt, ông chỉ ngồi vài đêm là có một bài. Thế là ông lại một lần nữa không phải thi tuyển. Ừ thì có thể ông giỏi thật, nhưng học tài thi phận, người ta trượt như chơi, mà trong số ấy có phải thằng nào cũng dốt cả đâu. Ông nghĩ thầm tự đắc. Ngày ông trình luận án về lịch sử các làng, một vài người đến dự đã phát hiện luận án của ông có nội dung và tư liệu lấy từ các luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Ông dõng dạc trả lời đúng như vậy, nhưng “đầu vào” của các luận văn này, “từ ý tưởng học thuật, nội dung nghiên cứu và phương pháp tìm kiếm tư liệu đều của tôi, sinh viên chỉ là người thực hiện!”. Lại có người lắm chuyện hỏi móc ông sử dụng phương pháp hồi cố để nghiên cứu lịch sử hàng mấy trăm năm, liệu ai còn nhớ được, và đấy có phải là phương pháp sử học không? Ông tỉnh queo: “Nghiên cứu liên ngành là xu hướng của khoa học hiện đại!” Hội đồng bỏ phiếu và ông là người đầu tiên đạt số điểm tuyệt đối. Một thầy Hội Đồng trong bữa tiệc khao nhân dịp đoạt học vị Phó Bảng của học trò đã cho ông đi tầu bay, rằng “anh ấy xứng đáng được đánh giá cao, không chỉ vì học thuật mà còn vì cái tinh thần vượt khó. Hàng tháng liền anh ấy miệt mài trên thư viện, tôi thấy trong cặp chỉ có bánh mỳ và nước lã. Nền sử học nước nhà giờ đây trông đợi nhiều ở anh ấy”.. Nghe những lời vàng ngọc này, ông xúc động thầm nghĩ: “Ôi, sao ông trời lại trao cho mình một người thầy vĩ đại mà tinh tế nhường vậy. Mình sẽ nguyện cả đời này noi gương thầy và sẽ sống chết vì thầy”.
Thế rồi may mắn cứ nối đuôi nhau đến với ông. Lúc đất nước mở cửa, bọn cán bộ trẻ lũ lượt đi nước ngoài trao đổi làm ông nóng mắt. Khốn nỗi vốn ngoại ngữ của ông chưa qua nổi hạng “bình dân học vụ” để tự tin dự thi. Đùng một cái, người ta thấy ông có tên trong danh sách thành viên dự án hợp tác trao đổi khoa học với một nước phương Tây. Ai cũng biết đây là bước một để ông tiến đến bước hai là được đặc cách cử đi nước ngoài mà không phải sát hạch trình độ ngoại ngữ. Hơn nữa, về mặt trình độ chuyên môn, ông đã tiến sỹ rồi, kịch bậc rồi còn đi học gì nữa. Ông chỉ có sang “khai hóa” cho bọn Tây thì có!. Ngày ông nhận quyết định đi học nước ngoài, có cán bộ thắc mắc sao ngoại ngữ kém vẫn được đi, ông Hội Đồng dạo nọ đã bao bọc ông lúc bảo vệ luận án tiến sỹ giờ lại lấp liếm chống lưng cho ông: “Ngoại ngữ chỉ là một tiêu chí thứ yếu để đánh giá năng lực của nhà khoa học. Đi sang các nước tư bản cần người có lập trường tư tưởng vững vàng”. Thế là ông thuận buồm xuôi gió cất cánh bay đến đất nước của hoa và tự do. Nghe nói ông đã khóc rất nhiều khi thấy máy bay hạ cánh xuống sân bay một nước khác chứ không phải nước ông định đến. Lúc máy bay thông báo xì xồ cái gì trên loa phóng thanh, ông đâu có hiểu nó đang nói gì. Ra khỏi máy bay trong cơn hoảng loạn, ông không tìm được đường ra ngoài. Sân bay gì mà người như mắc cửi, đi đứng hùng hục mà mắt mũi ai nấy cũng nhớn nhác, biết hỏi ai bây giờ. Trong lúc quẫn bách, ông chợt nhớ trước khi lên máy bay, một người bạn tốt đã giúi vào túi ông mấy đồng tiền lẻ và nhiều số điện thoại của những người là chỗ thân tình để ông liên lạc khi cần ở nơi đất khách. Đang hoang mang tìm đường thoát khỏi sân bay, ông bỗng nhìn thấy cái máy điện thoại. Mừng quýnh, ông lao đến nhấc máy, bấm số và a lô liên hồi. Nhưng đáp lại, cái máy chỉ tu lên một lô một lốc tiếng “tut-tut”. Không dám hỏi ai vì sợ người ta biết mình “nửa câm nửa ngọng”, ông ngồi thu lu trong cái nhà ga giá lạnh, mắt hau háu quan sát xem có ai gọi điện thoại không để bắt chước. Cái mẹo này ông đã được học từ thời còn đang trong quân ngũ, có lẽ đã hồi sinh lại từ trong tiềm thức. Hồi ấy người ta dạy ông rằng khi sống trong rừng, chớ có ăn hay uống thứ gì chưa biết. Để tránh bị ngộ độc, hãy cố gắng quan sát xem các con vật có ăn hay uống những thứ đó không đã. Quả nhiên một lúc sau, có mấy đứa trẻ con chạy đến bỏ một đồng xu vào cái “lỗ nẻ” trên hộp, bấm số rồi nói chuyện liên hồi. Ông chợt hiểu ra, mẹ cái bọn tư bản này, cái gì cũng tiền, tiền!. Khi bọn trẻ bỏ đi, ông tức tốc lao đến chiếc điện thoại, bỏ tiền vào lỗ và bấm số, đúng như cách bọn trẻ đã làm. Loay hoay mãi từ nửa đêm đến sáng hôm sau, cuối cùng ông cũng gọi được cho một Việt Kiều, vốn là một sư ông hoàn tục đang làm trợ lý ở một trường đại học. Người này nhiệt tình bỏ cả công việc để sang tận nước bạn rước ông về. Sau cú nhớ đời này, ông cứ nghĩ nếu cái số mình không có quý nhân phù trợ thì chắc đã gục ngã ngay trên thánh địa của đất nước sô-cô-la rồi chứ làm sao đến được đất nước của hoa. Đời ông có nhiều người nâng đỡ nhưng chắc ông sẽ còn phải biết ơn nhà sư này dài dài trong những tháng ngày lay lắt ở xứ người. Số là sau ba tháng ăn cơm xứ ngời mà ông vẫn chẳng nghe nói được lấy một câu tiếng tây cho ra hồn. Giáo sư đòi gửi tra ông về nước. Ông khóc như mưa, một mặt cầu viện thầy ở Hà Nội can thiệp, mặt khác nhẫn nhục đi gặp nhà sư- người bảo trợ để mong lòng từ bi hỷ xả của nhà Phật sẽ ra tay cứu rỗi. Lúc ấy, ông đã nghĩ phải ở lại bằng mọi giá, chết cũng được, còn hơn là bị đuổi về. Mấy thằng đảng viên trong chi bộ vốn ghanh ghé suất đi này nếu hay tin thì sẽ làm gỏi ông mất. Nghe xong câu chuyện của ông, nhà sư hoàn tục nói: “Để việc đó cho tau!” Nói là làm, ông sư ấy đã trực tiếp gặp vị giáo sư kia để chất vấn: “Ông có thể ấp một quả trứng gà trong mười ngày nở ra thành gà con không? Ba tháng để biết sử dụng một ngoại ngữ thì họa có là thiên tài! Ông cho nó ở lại, một năm sau tôi đảm bảo nó sẽ nói bằng ngoại ngữ!” Thái độ kiên quyết ấy làm cho vị giáo sư Tây chịu đổi ý, để ông chỉ tập trung một tuần ba buổi học ngoại ngữ với mấy chị em tỵ nạn chính trị ở một trung tâm y tế vào buổi tối, còn chuyên môn thì sau hẵng hay. Nhờ thế, ông thoát nạn hy hữu, an nhàn hưởng một năm học bổng cho đến ngày về Hà Nội, dù có người xỏ xiên ông “ra nước ngoài nói tiếng ta, về nước nhà nói tiếng tây”, ông bỏ ngoài tai hết. Rồi sẽ có lúc ông phải dạy cho chúng nó một bài học về sự lễ độ.

Dù sao thì cái thẻ đảng viên, cái bằng phó tiến sỹ nội và lý lịch một năm ăn cơm Tây ở nước ngoài cũng đã đủ để ông được phong thánh với học hàm phó giáo sư, chủ nhiệm khoa. Bây giờ thằng nào đụng vào ông thì sẽ biết tay. Ngồi được vào cái ghế quyền lực, ông đã xây cho mình một chỗ dựa vững như bàn thạch để đảm bảo nếu không có miếng thì cũng có tiếng. “Ăn ít nhưng mà ăn chắc” là tư tưởng chiến lược của ông. Khi hết nhiệm kỳ chủ nhiệm khoa, ông bàn giao lại cho người khác với cái vốn “không đồng, không hào, không xu”. Nhưng người kế tục ông, một đàn em thân tín mà ông dầy công bồi dưỡng, cũng chẳng cần gì hơn. Cái hắn cần là ghế và danh. Mà ở xứ ta, cứ có ghế, có danh là sẽ có tất cả. Cuộc chuyển giao quyền lực êm xuôi, ai cũng ngỡ phen này ông nghỉ quản lý để làm khoa học. Nhưng vận may lại đến bất ngờ. Một trong những “cái ô” mà ông vừa căm ghét vì phải chịu dưới trướng, vừa sợ hãi vì nếu không cẩn thận có thể bị ăn độc chiêu bỗng nhiên được bổ nhiệm một ghế lãnh đạo. Vị này đã bỏ công hàng năm trời chạy vạy gõ cửa mọi ngõ ngách để xin thành lập một viện nghiên cứu “giời ơi” để được có ghế và có danh. Khi mọi việc hoàn tất thì cái quyết định bổ nhiệm lên vị trí cao hơn, tưởng như đã vô vọng sau nhiều lần ngã giá không thành, nay bất ngờ được công bố. Vậy là cái ghế Viện trưởng được điều chuyển sang cho ông mà chẳng mất một đồng xu hay giọt mồ hôi nào. Ông chỉ phải làm mỗi một việc là tổ chức một cái lễ ra mắt thật đình đám, huy động mấy em nữ sinh chân dài mang nhiều bó hoa đến tặng “cái ô” trong khi ông cất lời tung hô “cái ô” lên tận mây xanh, thế là đủ để ông ngồi vào cái ghế quyền lực ngon lành. Quan sát buổi lễ, ai cũng thấy ông đã đạt đến độ chín của sự nghiệp bằng màn trình diễn tuyệt hảo mà một diễn viên xiếc xuất sắc cũng khó diễn khéo hơn.       

Nhưng may mắn chỉ mang đến cơ hội, còn nắm bắt được cơ hội hay không thì cần có cái máu “chém đinh chặt sắt”. Làm một vị quan khoa học, dẫu giữ cái ghế thấp lè tè thôi, nhưng ông dám chắc mình là người vừa nhũn như con chi chi với cấp trên, vừa quyết đoán như con chim cắt với đám nhân viên. Nếu được trao cho cái ghế cao hơn, ông có thể “thay trời hành đạo” chứ chả chơi. Chẳng thế mà nhiều kẻ ăn không ngồi rồi vẫn thường chỉ trích ông là đồ “học phiệt”. Ông không phản đối. Trong con mắt ông, cái bọn trí thức làng nhàng mới ra trường, miệng còn hơi sữa thì phải đưa chúng vào khuôn phép ngay từ đầu, nếu không chúng dễ học đòi, có ngày quay lại lật mình như chơi. Vì thế, ông luôn đề cao đức tính quyết đoán như một trong những nguyên tắc tối thượng của nghệ thuật quản lý. Ông nhớ lúc còn làm chủ nhiệm khoa, bọn trẻ đâu phải đã phục ông. Nghe ông khoe khoang đã chu du thiên hạ từ Đông sang Tây tầm sư học đạo, rồi thăm viếng nhiều trường đại học trên khắp thế giới để rao giảng tư tưởng vĩ đại của ông, bọn chúng bèn cụp mắt xuống. Ông biết chúng đang nghi ngờ. Đã thế, ông phải dạy cho chúng một bài học. Thời cơ rồi cũng đến. Một cán bộ nữ con nhà danh gia vọng tộc mới về khoa của ông được hơn một năm. Nghe nói ba bốn đời nhà này đều có người phụng sự triều đình làm quan, từ thời phong kiến đến thời thực dân, và bây giờ, dưới thời nhà sản, gia tộc ấy lại càng nhiều người làm quan. Cô này bảo vệ luận án tiến sỹ bên Tây khi mới 25 tuổi, làm chính bọn Tây cũng phải lác mắt mà ngưỡng mộ. Khi về cơ quan ông làm giảng viên, cô ấy cứ như đi trên mây. Đến cơ quan bằng xe taxi, mỗi ngày thay một bộ, đủ kiểu từ hiện đại đến dân dã. Cô thích xuất hiện trước đám đông. Ngay cả khi cô mặc cái áo dài ngố mầu bã trầu nhăn nhúm, quần xa tanh đen cong cớn, bọn trẻ cũng xúm lại trầm trồ khen là hiện đại. Trong mắt cán bộ trẻ của khoa, cô là một biểu tượng cho sự thành đạt. Cô như lâng lâng trên mây nên không biết mình đang thành cái gai trước mắt ông chủ nhiệm. Thực ra ông đã qua lũ đàn em nhiều lần bắn tin đến cô rằng theo ông thì sống, chống ông thì chỉ có chết. Cô không chống ai cả, nhưng bản tính khoa học từ trong trứng làm cho cô có suy nghĩ độc lập và không thích bè cánh. Hôm gặp ông ở hành lang cơ quan, ông chìa tay ra, cô lịch sự bắt tay nhưng ngay sau đó chạy vào toa-let để rửa tay. Không biết cô có ý gì không nhưng tin đến tai ông. Được, đã thế thì ông cho nó biết tay. Ông sẽ chứng minh cho nó thấy là nó đã sai lầm khi dám coi thường ông. Một cái bẫy vô hình đã giăng sẵn chờ cô “tự cao tự đại” sa vào. Là bí thư chi đoàn, cô tổ chức đại hội thanh niên, làm bản kiến nghị gửi lãnh đạo đòi thay đổi quan niệm về đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ. Khi cô thay mặt đám thanh niên trình báo cáo, khuyến nghị và danh sách ban chấp hành mới lên lãnh đạo khoa, ông xem qua, nhếch cái mép làm rung cả nốt ruồi với một túm lông ở khóe môi, cười khẩy rồi bảo cô cứ về, để ông nghiên cứu cho ý kiến sau. Ông biết giờ thì con ong đã sa vào lưới nhện, và ông sẽ không bỏ lỡ dịp này. Ông ngấm ngầm nghiên cứu các báo cáo của chi đoàn và phát hiện ra hai cái sai. Một, đại hội chi đoàn không trình dự thảo báo cáo lên chi bộ để phê duyệt, không tranh thủ ý kiến người phụ trách chi bộ về nhân sự ban chấp hành và tự ý tổ chức đại hội không theo đúng quy trình. Hai, nội dung bản khuyến nghị của chi đoàn có nhiều ý kiến xúc phạm lãnh đạo và có tư tưởng lập trường lệch lạc. Với hai “chứng cứ” này, ông đủ sức quật chết cả bò mộng chứ nói gì một cô gái thiếu “kỹ năng sống” đang nằm trong tay ông. Trong chi bộ, ông vẫn được tôn là tay đánh đấm có hạng. Mỗi khi cần thánh chiến để thoát vòng hiểm nguy hay tiêu diệt đối thủ, người ta đều cầu kiến ông. Các mảng miếng kỹ chiến thuật đánh đấm đã được ông tổng kết thành “nguyên tắc ba bước” nổi tiếng: Bước 1: tung hỏa mù; Bước 2: trùm chăn và tạo đồng thuận; Bước3: đánh hội đồng. Kinh nghiệm đã dậy ông rằng trong cái xã hội giả thật lẫn lộn này thì tung hỏa mù lên một ai đó cũng giống như đã tuyên một bản án chưa xử. Nhưng phải tạo được đồng thuận tập thể trước khi ra tay, nghĩa là phải có họp hành thân tín trong chi bộ để nâng quan điểm, thống nhất hành động. Cuối cùng đưa vấn đề ra công khai, làm cho đối phương trở tay không kịp, và có ba đầu sáu tay cũng không thể chống lại cả một tập thể. Với cách đánh này, kẻ nào sống sót cũng thành tật. Ông tự hào về miếng võ hiểm của mình, chính nó đã làm nhiều kình địch khiếp sợ mà quy phục, còn người tử tế thì biết điều đừng có bén mảng đến gần cái niêu cơm của ông. Lần này, chính ông sẽ vận dụng miếng võ ấy để trị “cái con bé cứng đầu”. Ông chọn thời điểm buổi họp tổng kết cuối năm để ra tay. Sau những bản báo cáo thành tích lê thê làm sướng lẫn nhau như vẫn thấy, ông bắt đầu bài phát biểu bằng một giọng trầm khàn như của người nghiện, có lẽ do bị kìm nén, nhưng cũng có thể đó là dấu hiệu cho thấy một cơn sấm sét sắp nổ tung. Đôi mắt lồi trắng dã của ông nhìn xoáy vào đối tượng, ông nâng quan điểm: “Trong lúc toàn đảng, toàn dân đang nỗ lực chống diễn biến hòa bình thì có một bộ phận cán bộ trẻ do phương Tây đào tạo trở về, có tư tưởng tự do, thiếu tu dưỡng đạo đức, tỏ ra vô tổ chức vô kỷ luật, lợi dụng hoạt động thanh niên để thoát ly sự lãnh đạo của đảng, bôi nhọ cán bộ. Họ đã phớt lờ sự lãnh đạo của chi bộ, tự ý tổ chức đại hội, đòi lập hội các nhà nghiên cứu trẻ, gây tác động chính trị xấu”. Ông cho biết đã kiến nghị cấp trên không công nhận kết quả đại hội, ngăn chặn kịp thời một âm mưu nhen nhóm phản kháng trong giới trẻ, và dĩ nhiên những người này phải lĩnh chịu trách nhiệm. Tiếp theo lời kết luận đanh thép của ông, một “lũ tiểu yêu” được mồi từ trước đua nhau xin phát biểu tố cáo chi đoàn cán bộ muốn tách rời sự lãnh đạo của chi bộ là một sai lầm không thể tha thứ. Chỉ khốn khổ cô bí thư trẻ, không biết đòn roi từ đâu tới tấp quất xuống. Chịu hết nổi, cô bỏ cuộc họp ôm mặt chạy ra ngoài. Từ đấy, cô thề sẽ không quay lại cái khoa mà cô cứ ngỡ đã và đang mang hết sức trẻ và trí tuệ siêu việt của mình để cống hiến. Có người nói với ông cô ấy giông một mạch sang thẳng đại học Harvard bên Mỹ làm cộng tác viên khoa học. Nghe tin, ông lại cười khẩy, chòm lông mọc ngược bên mép rung rung khoái chí: Đại học Harvard cũng không thể nghĩ ra được những chiêu “độc cước” như của ta. Chỉ bằng một cú “cứa lòng” mà có đứa phải bay đến tận Mỹ, những đứa còn lại thì bây giờ mới nhìn thấy ông từ xa đã ngoác miệng cười, và cúi lom khom dâng hai tay kính cẩn chờ được ban phát ân sủng mỗi khi ông hạ cố…

* * *

Đang trong lúc miên man mơ màng nghĩ về vận may và say sưa với những chiêu xuất chúng trong sự nghiệp làm quan khoa học của mình, ông bỗng giật mình nghe tiếng điện thoại réo. Giọng vợ ông hốt hoảng thét lên câu được câu mất, chỉ nghe thấy “cái gì”, “ở đâu”, “khổ tôi rồi”… Thế rồi bà tức tốc gọi taxi, kéo xốc ông đứng dậy. Bị gián đoạn dòng hồi tưởng đẹp như một giấc mơ, ông sẵng giọng: “Nói xem cái gì”. Bà vợ gào lên, chưa bao giờ bà lại dám gào lên trước mặt ông như thế: “Tai nạn rồi”. Ông vẫn chưa tỉnh rượu, lại láng máng nghĩ rằng có đứa nào trong đám đại biểu được cử đi dự đại hội đảng bộ thành phố vừa bị tai nạn thập tử nhất sinh. Ồ, thế thì có gì mà phải cuống lên, đấy là một tin vui chứ sao, chúng nó sẽ phải bổ sung ông vào danh sách đại biểu chính thức! Ông thầm nghĩ. Xe chưa kịp dừng hẳn, bà vợ đã bật cửa lao ra, lôi ông sềnh sệch vào cổng bệnh viện. Đã thấy mấy đứa “tiểu yêu” của ông đứng cúi lom khom ở cửa phòng cấp cứu. Ông hỏi có việc gì mà các cậu đứng đây thế này, chúng nó đều cụp mặt xuống, đứa nào đứa nấy mắt ầng ậng nước, chỉ chực có cơ hội là sẵn sàng trào ra để ông thấy được lòng tận tụy của họ. Ông cười nhe hàm răng cải mả mầu gạch cua rồi lên giọng ung dung răn dạy: “Trong bất kỳ tình huống nào, các cậu cũng phải bình tĩnh xử lý vấn đề, nhé!” Giọng ông đai cái từ "nhé" như một cử chỉ thân mật của bề trên nhưng bon tiểu yêu thì đều hiểu đó là một mệnh lệnh. Bỗng ông nhìn vào cửa sổ, trên giường một bệnh nhân băng bó trắng toát nằm thẳng dẵng, vợ ông đang lăn lộn gào thét gọi tên con trai ông. Bộ mặt thiết bì của ông vốn vẫn tím tái bỗng trở nên trắng bệch, ngây ngô đến đần độn...         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét