Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Những đại diện của các dân tộc thiểu số trên báo viết Việt Nam



Bài viết đã đăng toàn văn trên Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 4(130), 2010, tr. 3-17.



Nguyễn Văn Chính
Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Đặt vấn đề [[1]]

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc trong đó các tộc người thiểu số chiếm khoảng 14% tổng dân số cả nước.[[2]] Bình đẳng, đoàn kết, chống kỳ thị và phân biệt dân tộc luôn được đề cao như là những nguyên tắc nhất quán trong hệ thống chính sách dân tộc của nhà nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dường như lại đang chỉ ra rằng có một khoảng cách lớn giữa chính sách và thực hành chính sách dân tộc ở Việt Nam.[[3]] Ở một quốc gia mà công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Nhà nước được đề cao trên hết như Việt Nam, báo chí được xem như một quyền lực xã hội. Những thông điệp và hình ảnh về các tộc người thiểu số mà nó truyền tải đến công luận có thể được xem là đại diện cho tiếng nói của nhà nước. Tuy nhiên, tác động của báo chí đến xã hội nhiều khi không như mong đợi. Các tờ báo một mặt phải thực hiện chức năng tuyên truyền đường lối chính sách, mặt khác phải đảm bảo có sức hấp dẫn để thu hút đọc giả. Các bài viết về văn hóa xã hội các tộc người thiểu số phần nào đáp ứng được cả hai kỳ vọng nói trên của báo chí. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét hình ảnh về các nhóm dân tộc thiểu số mà báo chí đã tạo ra và phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến các khái niệm và khuôn mẫu mà báo chí sử dụng khi viết về người thiểu số.


Ở Việt Nam hiện nay có hàng trăm tờ báo in các loại, chưa kể một số lượng hùng hậu các báo mạng điện tử đang ngày càng lan rộng. Tất cả các tờ báo in đang lưu hành đều do nhà nước quản lý. Điều này có nghĩa rằng báo chí Việt Nam, dù được quản lý bởi các tổ chức khác nhau nhưng trên thực tế, chỉ có một tư tưởng chỉ đạo chung cho tất cả các báo. Dù báo chí phản ánh cuộc sống đa dạng như thế nào đi chăng nữa thì các thông điệp mà nó truyền tải đến người đọc đều phản ánh quan điểm của nhà nước thông qua một hệ thống hoàn chỉnh từ quan niệm về đạo đức nghề nghiệp, kỹ thuật lấy tin viết bài và công tác kiểm duyệt trước khi đến được với công chúng.[[4]] Vì vậy, việc chọn tất cả các báo để khảo sát là không thể và không cần thiết. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ chọn khảo sát bốn tờ báo đại chúng có lượng đọc giả khá đông hiện nay là các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong và Công An Nhân Dân. 

Tất cả các thể loại tin bài đăng trên bốn tờ báo này như tin tức, phóng sự, xã luận, ý kiến bạn đọc, v.v. có liên quan đến các dân tộc thiểu số đều được thu thập để phân tích. Về mặt thời gian, chúng tôi khảo sát tất cả các số báo của 4 tờ báo trên phát hành trong các năm 2004, 2006 (từ tháng 1 đến tháng 12) và 6 tháng đầu năm 2008. Sau khi thu thập được hơn 500 tin bài liên quan đến các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đăng trên các báo này trong khoảng thời gian nói trên, chúng tôi đã phân loại các bài báo theo nội dung và loại bỏ một số tin, bài không liên quan trực tiếp đến chủ đề nghiên cứu. Tổng số 500 bài viết đã thu thập được nhóm xã hội học thuộc học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội phân tích với sự trợ giúp của phần mềm SPSS 13.0 và NVIVO 7.0.[[5]]

Mục đích nghiên cứu của chúng tôi là để tìm kiếm những quan điểm, khái niệm và ngôn từ hợp thành các phạm trù đại diện cho các tộc người thiểu số trên báo viết. Chúng tôi tập trung vào mức độ xuất hiện thường xuyên của các ngôn từ mà báo chí sử dụng khi viết về các tộc người thiểu số. Các khái niệm và ngôn từ này được chia thành hai nhóm có ý nghĩa và ngụ ý đối lập nhau, tạm gọi là tiêu cựctích cực. Nhóm ngụ ý tích cực bao gồm các ngôn từ và khái niệm như: lành mạnh, chân thành, năng động, sáng tạo, chịu khó, tiến bộ, hội nhập. Nhóm có ngụ ý tiêu cực bao gồm: nghèo nàn, lạc hậu, nguyên thủy, dốt nát, mê tín dị đoan, ngây thơ, lười biếng, nghiện ngập, phản động. Các ngôn từ và khái niệm nói trên, sau khi được phân tích sẽ được xem xét trong bối cảnh cụ thể của bài viết mà chúng được sử dụng để hiểu được vai trò của chúng trong việc tạo ra hình ảnh về các tộc người thiểu số.  

2. Ngôn ngữ báo chí và chân dung tộc người

Trong tổng số 500 bài viết về các tộc người thiểu số được khảo sát, có đến 68% số bài được thể hiện dưới dạng phóng sự và ký sự nhằm mô tả các đặc điểm văn hóa, kinh tế, xã hội. Chỉ có 26% bài viết dưới dạng tin tức, và 6% đưa ý kiến phản hồi và các bài phát biểu ngắn có liên quan. Không kể 4 bài về dân tộc thiểu số có đầu đề được chạy trên trang nhất, tất cả các bài còn lại thường xuất hiện ở các trang giữa hoặc cuối của tờ báo. Nếu cho rằng các bài viết được đưa lên trang nhất có tầm quan trọng đặc biệt trong mỗi số báo thì điều này cho thấy vấn đề người thiểu số ở Việt Nam không thực sự được các báo quan tâm như một chủ đề có tính thời sự.

Các tin bài về dân tộc thiểu số thường xuất hiện nhiều hơn trên các báo vào những tháng đầu năm. Đặc biệt, hai tờ báo Tuổi trẻ và Công an Nhân dân có số bài về các dân tộc thiểu số tăng đột biến vào dịp đầu năm (khoảng 37% ở báo Tuổi trẻ và gần 45% ở Báo Công An Nhân dân). Đặc điểm này có lẽ liên quan đến tập quán phổ biến của báo chí khi lựa chọn những ngày nghỉ đầu năm để giới thiệu về các tập tục xa lạ, những nét văn hóa độc đáo được cho là còn “đậm chất nguyên thủy” ở các dân tộc thiểu số nhằm thu hút đọc giả. Ai cũng biết ở Việt Nam, dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm là Tết Nguyên đán (thường rơi vào tháng Hai dương lịch). Thêm nữa, các tháng đầu năm cũng là dịp các tổ chức nhà nước phát động thi đua kỷ niệm ngày thành lập Đảng, các báo thường nhân cơ hội này đưa tin bài  ca ngợi sự thay đổi ở vùng thiểu số như là thành tựu nổi bật.

Phân tích theo chủ đề cho thấy các bài viết tập trung vào bốn nhóm lớn như sau: 1) các bài viết về cá nhân điển hình và văn hóa chung của các tộc người chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 36%; 2) nhóm bài viết về các hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội ở vùng dân tộc thiểu số chiếm 22%; 3) nhóm bài viết về các phong tục tập quán lạ và thú vui tiêu khiển du lịch ở vùng thiểu số 21%; 4) nhóm bài viết về chủ đề giáo dục và y tế ở vùng dân tộc thiểu số chỉ chiếm 12%. Số bài còn lại (khoảng 9%) đề cập đến các chủ đề không xác định rõ ràng. Việc các báo dành một tỷ lệ đáng kể các bài viết (182/500 bài) đề cập đến những cá nhân hoặc nhóm tộc người cụ thể là để nhấn mạnh tầm quan trọng của đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc làm thay đổi đời sống của các tộc người. Các bài viết dạng này thường đưa tin về các cá nhân xuất thân từ những nhóm dân tộc thiểu số nghèo nàn và lạc hậu, nhờ đi theo sự dẫn dắt của Đảng mà cuộc đời của họ và dân tộc họ được cải thiện. Nhìn từ khía cạnh này, có thể thấy các báo đã thực hiện chức năng tuyên truyền như là một trọng tâm của báo chí nhà nước. Các bài viết thường thể hiện thái độ bằng cách ca ngợi và cổ vũ hoặc phê phán và áp đặt quan điểm của mình trước mỗi sự kiện, vấn đề được nêu ra nhằm “định hướng dư luận”.

Một trong những chủ đề ưa thích của các báo là đề cao vai trò của nhà nước trong các hoạt động trợ giúp các tộc người thiểu số. Theo thống kê của chúng tôi, có đến 195 trong tổng số 500 bài báo được khảo sát nói về sự trợ giúp về vật chất (lương thực, nhà cửa, tư liệu sản xuất, v.v.) của nhà nước đối với các tộc người. Hoạt động hỗ trợ của nhà nước ở khu vực Tây Nguyên được đưa tin nổi bật nhất có lẽ do tính chất phức tạp về chính trị của khu vực này hơn là vấn đề nghèo đói.[[6]] Trong khi các báo đề cao tính nhân bản của các hoạt động trợ giúp của nhà nước, họ quên mất rằng chính các hoạt động “trợ giúp” đang tạo ra sự phụ thuộc của các tộc người vào nhà nước, làm mất đi tính năng động nội tại của tiến trình phát triển.  

Bốn tờ báo được khảo sát có khuynh hướng tập trung phản ánh văn hóa của một số tộc người nhất định trong khi các tộc người khác ít được nói tới. Trong số mười tộc người được các báo nói tới nhiều nhất (Hmong (17%), Bana (11%), Ede (10%), Jarai (10%), Vân Kiều (10%), Thai (9%), KaTu (9%), Mnong (8%), Dao (8%) và Xê Đăng 6%), có tới 7 nhóm cư trú ở khu vực miền núi Trường Sơn - Tây Nguyên và chỉ có 3 nhóm ở miền núi phía Bắc (Hmong, Dao và Thái). Các nhóm tộc người có dân số nhỏ ở miền núi phía Bắc như Cờ Lao, La Chí, La Ha, Pu Péo hầu như không được nhắc tới trong các bài báo cụ thể.

Do mẫu khảo sát nhỏ nên không thể kết luận rằng các báo này đại diện cho khuynh hướng chung của báo chí Việt Nam, nhưng có thể thấy thông điệp mà các báo này gửi đến đọc giả đã góp phần tạo nên một hình ảnh tương đối thống nhất về các tộc người thiểu số, và hình ảnh này không có nhiều khác biệt giữa các báo khác nhau. Bên cạnh việc đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội ở vùng các dân tộc thiểu số mà phần nhiều nhằm mục đích tuyên truyền chính sách, ngợi ca công lao và thành tựu của Đảng, các báo đặc biệt quan tâm khai thác triệt để các phong tục tập quán khác lạ. Vấn đề đặt ra ở đây là các bài viết này có màu sắc định kiến dân tộc hay không, và hình ảnh về các dân tộc thiểu số đã được báo chí tạo ra như thế nào.[[7]] Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi tập trung phân tích nội dung và quan điểm của các bài viết. Thêm nữa, các quan điểm, khái niệm và ngôn từ này được đặt trong nội dung chung của bài viết để phân tích xem nó biểu hiện cách nghĩ tích cực hay tiêu cực về các tộc người thiểu số.  

Theo các tiêu chí đã xác định, chúng tôi tìm thấy 373 bài trong tổng số 500 bài báo được khảo sát (gần 75%) sử dụng các thuật ngữ có ngụ ý tích cực hay tiêu cực. Số bài còn lại (khoảng 25%) có thái độ không rõ ràng hoặc các thuật ngữ đã lựa chọn không thấy xuất hiện trong bài báo. Phân tích ngôn từ được trình bầy trong 373  bài báo được lựa chọn, chúng tôi nhận thấy có tới 284 bài viết (gần 66%) sử dụng các thuật ngữ thuộc nhóm có ngụ ý tiêu cực. Nội dung chủ yếu của các bài viết này là để mô tả và phê phán tình trạng “lạc hậu” của các tập tục, niềm tin tôn giáo, lối sống và hoạt động kinh tế của các tộc người thiểu số. Hình ảnh tiêu biểu mà các bài báo này mang đến cho người đọc là tình trạng tồn tại phổ biến của những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thói quen lười biếng và ỷ lại vào nhà nước, lối nghĩ bảo thủ và tình trạng ngu dốt, v.v. Thông điệp mà các bài báo này nêu ra là tính cần thiết phải có sự can thiệp của nhà nước để cứu vớt các tộc người này, nếu không họ sẽ ở bên bờ vực của sự diệt vong (!). Khoảng 34% các bài viết sử dụng ngôn từ có ngụ ý tích cực nhưng nội dung của chúng chủ yếu là để ngợi ca những đổi thay trong quan niệm và lối sống của các cộng đồng tộc người theo đường lối của Đảng. Như vậy, khái niệm tích cực ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối vì nó được diễn giải từ quan điểm của nhà nước thay vì của các tộc người.   

Xem xét các ngôn từ “tích cực” hay “tiêu cực” trong bối cảnh cụ thể của các bài báo, chúng ta có thể hiểu được những biểu hiện, đặc điểm và mức độ định kiến của báo chí khi đưa tin, bài về các nhóm dân tộc thiểu số. Các khái niệm và thuật ngữ có ngụ ý tiêu cực hay tích cực đóng vai trò quan trọng tạo ra chân dung của các tộc người thiểu số qua lăng kính của báo chí. Những số liệu trên đây cho thấy biểu hiện định kiến của báo chí đối với dân tộc thiểu số có những đặc điểm chính như sau:
(1)   Tạo ra hình ảnh người thiểu số chỉ biết thụ động và phụ thuộc vào nhà nước.
(2)   Quan tâm một cách thái quá đến các tập tục lạ mà báo chí thường dán nhãn cho chúng là bí ẩn, lạc hậu, mê tín và mông muội.
(3)   Tình trạng đói nghèo và tệ nạn xã hội ở các dân tộc thiểu số thường được mô tả như là một tất yếu và không lối thoát.
(4)   Giải thích văn hóa và kho tàng kiến thức bản địa của các tộc người qua lăng kính thiên kiến và chủ quan của nhà báo.
(5)   Sử dụng ngôn từ, hình ảnh và đưa tin theo kiểu dán nhãn, tạo ra quan niệm phổ biến về người dân tộc thiểu số với những đặc tính điển hình là ngây thơ, cả tin, thất học và thiếu hiểu biết.
(6) Nhìn lối sống các tộc người thiểu số nhiều tiêu cực hơn tích cực.

Những đặc điểm nói trên cho thấy báo chí có khuynh hướng nhìn các dân tộc thiểu số theo một khuôn mẫu phổ biến là “tiêu cực nhiều hơn tích cực”. Thêm vào đấy, báo chí cũng thường cố gắng tạo ra một hình ảnh về địa bàn cư trú của các tộc người thiểu số như những miền “hoang sơ và kỳ bí”, “đầy lãng mạn”. Tôi cho rằng lối viết bài đưa tin như vậy có hệ lụy là nó tạo ra một hình ảnh không chân thực về các tộc người thiểu số, thường được thổi phồng hay bị áp đặt. Cách viết như vậy cũng không giúp cải thiện quan hệ “đại đoàn kết” mà Đảng Cộng sản thường nhấn mạnh trong hệ thống chính sách của mình. Ngược lại, nó có thể làm sâu thêm cái hố ngăn cách giữa miền xuôi và miền núi, giữa người đa số và thiểu số. Dưới đây, tôi sẽ cố gắng chỉ ra ba khuôn mẫu phổ biến của báo chí khi giải thích văn hóa của các tộc người thiểu số và thử vận dụng các tiếp cận  xã hội học văn hóa để tìm hiểu xem những cơ sở lý luận nào đã ảnh hưởng đến các khuynh hướng ấy. 

3. Khuynh hướng giải thích văn hóa các dân tộc thiểu số  

Những phân tích định lượng ở trên chỉ ra rằng đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam khi viết về các tộc người thiểu số là nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực nhiều hơn tích cực. Dựa vào phân tích nội dung các bài báo, tôi sẽ tiếp tục chỉ ra rằng mặc dù nội dung và hình thức truyền đạt thông tin của báo chí đến người đọc khá đa dạng nhưng các tin bài này thường chỉ giải thích văn hóa các tộc người thiểu số theo một số khuôn mẫu phổ biến, có thể được nhóm lại thành ba khuynh hướng chủ đạo mà tôi tạm gọi là: (1) “huyền bí hóa”; (2) “lãng mạn hóa”; và (3) “bi kịch hóa”. Tôi sẽ phân tích nội dung các bài báo để làm rõ quan sát này.

3.1. Khuynh hướng “huyền bí hóa” đời sống tâm linh và tập tục cổ truyền

Trong trí tưởng tượng truyền thống của người đồng bằng, miền rừng núi với các tộc người xa lạ giống như một thế giới bí hiểm. Mặc dù những câu chuyện hoang đường về các tộc người sinh sống ở vùng núi giờ đây đã không còn phổ biến nữa do khoảng cách miền xuôi - miền ngược đang ngày càng được thu hẹp lại nhưng mối quan tâm về những khác lạ trong đời sống văn hóa của các tộc người vẫn còn là một đề tài có sức hấp dẫn người đọc. Có lẽ đây là một trong những lý do làm cho các báo tập trung khai thác những tập tục lạ của các tộc người thiểu số ở miền núi nhằm thỏa mãn trí tò mò của đọc giả. Các bài viết thuộc dạng này chủ yếu tập trung vào bốn nhóm đề tài chính sau đây:
a)      Những tập tục độc đáo liên quan đến hôn nhân, gia đình và đời sống tình cảm của
các dân tộc thiểu số:
- Tục cướp vợ, bắt chồng và “nối dây” trong hôn nhân;
- “Chợ tình”;
- Tập tục tìm hiểu của nam nữ thanh niên các dân tộc thiểu số như ngủ mái, ngủ thăm, ngủ chung, đi sim, chọc sàn;
- Thói quen để ngực trần và “tắm tiên” của “sơn nữ”; v.v.
Các tập tục này thường được mô tả như là những “hủ tục của một thời chưa xa”, để lại “những kết cục đau lòng” nhưng cũng có khi gợi trí tưởng tượng về một nền văn hóa hoang sơ và mông muội.
b)      Những khác lạ trong văn hóa ẩm thực như tập quán săn và xẻ thịt thú rừng, bắt cá
quý trên thượng nguồn sông suối, cách chế biến những món ăn lạ và các tập tục trong ăn uống của các tộc người.
Trong khi nhìn nhận các tập tục này như những nét đặc sắc của văn hóa các tộc người, các bài viết thường có xu hướng nhấn mạnh những kỹ năng “bí truyền” hoặc gán cho chúng những ý nghĩa tâm linh đặc biệt nào đó.
c)      Tín ngưỡng địa phương, lễ hội dân gian và không gian thiêng của các tộc người
cũng là một chủ đề chiếm một số lượng đáng kể các bài viết trên mặt báo. Trong nhóm đề tài này, các bài viết thường tập trung khai thác các vấn đề sau đây:
- Nghi lễ cúng thần, cầu đảo
- Nghi lễ hiến sinh (như lễ hội đâm trâu, lễ xên bản, lễ Gầu Tào, v.v.)
- Tín ngưỡng phồn thực và tục thờ sinh thực khí
- Những không gian thiêng (như rừng thiêng, rừng ma)
- Đền miếu và kiến trúc cổ kính, hoang sơ và huyền bí
Các chi tiết lạ gợi tò mò thường được báo chí khai thác triệt để. Khi mô tả về đền tháp, thành quách lịch sử của các tộc người, hay thậm chí một khu nghỉ mát, các báo cũng gán cho nó “một vẻ đẹp huyền bí” mang nét hoang sơ để thu hút người đọc.
d)      Những tập tục lạ liên quan đến tang ma của các dân tộc thiểu số cũng thường được
các báo săn tìm và đăng tải nhằm kích thích trí tò mò của người đọc. Trong khi nhắm vào các chi tiết lạ có sức gây ấn tượng mạnh của tập tục, các báo thường gắn vào đó những lời kêu gọi xóa bỏ các tập tục này vì đó là những “tục lệ quái đản” và “man rợ”.

Tác động của cách đưa tin bài như vậy thường tạo ra một hình ảnh méo mó về văn hóa các tộc người trong con mắt bạn đọc và sự khó chịu của chính những tộc người được báo chí đưa tin. Ông Cư Hòa Vần, một người Hmong lớn lên từ một bản làng vùng núi cao Tây bắc, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phản đối kiểu đưa tin bài sai lệch hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa các tộc người thiểu số như sau:
“Người ta rất hay nói về chợ tình nhưng thực sự không có chợ tình… Điều đó hoàn toàn là bịa đặt. Giá trị văn hóa độc đáo của những phiên chợ như thế đã bị hiểu sai lệch hoàn toàn”.[[8]]

3.2. Khuynh hướng “lãng mạn hóa” văn hóa miền núi

Cùng với xu hướng phủ lên văn hóa các tộc người một lớp sương mờ huyền bí nhằm cuốn hút trí tò mò của đọc giả, khuynh hướng “lãng mạn hóa” văn hóa các tộc người cũng chiếm một số lượng đáng kể trên các trang báo dưới dạng các phóng sự, ký sự, truyện ngắn và thơ ca. Dưới ngòi bút của các nhà báo, phong cảnh miền núi hiện ra hùng vỹ như những bức tranh thủy mặc đầy cuốn hút, trong đó có những sản vật mê hồn hiếm thấy, những món ngon độc đáo có một không hai, những không gian lý tưởng để thư giãn, những nét văn hóa độc đáo riêng biệt của những con người chân chất với vẻ đẹp nguyên sơ còn đang chờ được khám phá, v.v. Đọc những thông tin này, chúng ta như đang tưởng tượng ra hình ảnh một miền núi khác, không cổ hủ, lạc hậu, man rợ, cũng không có những nỗi đau, chỉ còn lại niềm vui hạnh phúc trong thú thưởng ngoạn và khám phá. Nhóm các bài viết theo khuynh hướng “lãng mạn hóa” này thường đi theo những khuôn mẫu phổ biến sau đây:
a)      Ngợi ca phong cảnh miền sơn cước với sông suối, núi non, thung lũng, ruộng bậc thang, làng mạc, nhà sàn.
b)      Mô tả vẻ đẹp hay tính độc đáo của các sản vật địa phương như thổ cẩm, lâm thổ sản, các loài động thực vật.
c)      Giới thiệu và cổ vũ cho thú vui ẩm thực miền sơn cước như các loại rượu, bài thuốc dân gian, các món ăn địa phương và những thú vui thưởng ngoạn như múa xòe, hát giao duyên, mời rượu.
d)      Thổi phồng vẻ đẹp lãng mạn của người sơn nữ.

Các bài viết dưới dạng này dường như ngấm ngầm cổ vũ cho trào lưu du lịch đang thịnh hành ở một bộ phận dân chúng, nhất là tầng lớp trung lưu mới nổi trong xã hội đô thị và lớp trẻ có nhu cầu khám phá. Hàng năm, vào các dịp tết, lễ, các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, các báo Thanh Niên, Tuổi trẻ và Tiền Phong lại rộ lên những loạt bài liên quan đến chủ đề này.

Khi mô tả vẻ đẹp miền sơn cước, các bài viết có xu hướng đi theo một mô-típ phổ biến là nhấn mạnh “vẻ hoang dã và bí ẩn của núi rừng” được tô điểm thêm bởi “những nụ cười hồn nhiên” và “những đôi mắt còn “rực hơn cả lửa”.

Để tạo ra “vẻ đẹp hoang sơ” của miền núi, các báo thường hay dụng ý tu từ, đưa vào các thuật ngữ có sức gợi cảm, như “miền sơn cước” hay “sơn nữ”. Có lẽ thơ và nhạc một thời lãng mạn đã trở thành nguồn cảm hứng để báo chí tưởng tượng ra hình ảnh về người phụ nữ vùng cao đầy sinh lực mà khi đọc nó, người ta lập tức quên đi những lam lũ thường ngày. Điển hình cho khuynh hướng lãng mạn hóa hình ảnh miền núi là loạt bài đăng trên Tuổi TrẻCông An Nhân Dân năm 2007 về “những miền gái đẹp” ở vùng thượng du. Cái cách mà họ chuyển tải thông tin đến người đọc thường thấm đẫm chất lãng mạn với những ngụ ý gợi tình.

3.3. Khuynh hướng “bi kịch hóa” thực trạng đời sống của các dân tộc

Thống kê của chúng tôi chỉ ra rằng có đến 46% bài viết trên các tờ báo được khảo sát đề cập đến thực trạng kinh tế của các dân tộc thiểu số ở miền núi. Vấn đề đói nghèo và những khu vực khó khăn của các dân tộc chiếm một tỷ lệ nổi bật (54%) trong số các bài phản ánh về về đời sống kinh tế các dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy báo chí đã dành cho chủ đề này một sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cái cách mà báo chí mô tả vấn đề đói nghèo và hoạt động kinh tế của các tộc người như thế nào?; Ngôn ngữ, hình ảnh và nội dung các bài viết ấy đã chuyển tải đến người đọc những thông điệp gì? Chúng tôi đã chỉ ra ở trên rằng có tới 66% các bài báo sử dụng ngôn từ hàm ý tiêu cực để chuyển tải thông tin về các dân tộc thiểu số. Biểu hiện của khuynh hướng “bi kịch hóa” đời sống của đồng bào các dân tộc có thể được nhận ra thông qua các đặc điểm sau đây:
(a)    Ca ngợi thái quá vai trò trợ giúp từ bên ngoài cộng đồng trong khi lờ đi tiềm lực nội tại của dân tộc.
(b)   Nhấn mạnh khía cạnh khốn khó trong đời sống của đồng bào các dân tộc nhằm kêu gọi sự can thiệp và giúp đỡ từ nhà nước.
(c)    Mô tả tình trạng lan tràn của các tệ nạn xã hội ở miền núi như là hệ quả của cuộc sống đói nghèo, bế tắc không lối thoát.
(d)   Nhìn đồng bào dân tộc như những người ngây thơ, cả tin và dễ dãi, dễ bị lợi dụng và đi theo các lực lượng phản động.
(e)    Tình trạng thất học và thiếu kiến thức làm ăn của các tộc người miền núi được nhìn nhận như là một gánh nặng của quá trình phát triển. 
Đặc biệt, xem xét cách tiếp cận và mô tả tình trạng “bi kịch” ở vùng núi, ta thấy các báo thường đi tìm nguyên nhân ở những tập tục lạc hậu, thiếu kiến thức và thói quen lười nhác, ỷ lại vào nhà nước. Đáng ngạc nhiên là hầu hết các báo đều có xu hướng tập trung vào các yếu tố này và lặp đi lặp lại ở nhiều bài báo viết về chủ đề đói nghèo ở miền núi. Những nhân tố thường xuyên được báo chí nói tới, xem đó như là con đường tất yếu dẫn đến cuộc sống đói nghèo không lối thoát của các tộc người thiểu số được liệt kê như sau:
-         Tảo hôn và đẻ nhiều con
-         Buôn bán và nghiện ngập ma túy
-         Sử dụng lương thực làm rượu và lạm dụng rượu
-         Thất học và thiếu kiến thức làm ăn
-         Lười lao động
-         Tập tục canh tác lạc hậu, lối sống bảo thủ trì trệ
-         Thiên tai và dịch bệnh hoành hành
-         Thói quen ỷ lại, phụ thuộc vào trợ giúp của nhà nước.
Bằng cách tập trung khai thác những yếu tố này, các nhà báo dường như mặc nhiên thừa nhận nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của tình trạng đói nghèo chỉ là vấn đề nội tại của các dân tộc. Các yếu tố như sự bất cập của chính sách, sự can thiệp của nhà nước thông qua các dự án kinh tế - xã hội làm phai nhạt bản sắc và mất kiến thức truyền thống, sự tàn phá và làm cạn kiệt môi trường sống, tác động tiêu cực của các dự án phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, của các lực lượng thị trường, v.v., thường ít khi được đề cập, cứ như thể chẳng có gì đáng nói. Cách nhìn nhận vấn đề như vậy cho thấy các nhà báo đã chưa cố gắng thấu hiểu văn hóa và lối sống của đồng bào, ngược lại đang dán nhãn lên lối sống của họ. Đáng tiếc là hầu hết các tộc người bị dán nhãn này đều không có cơ hội để phản hồi lại những thông tin sai lệch méo mó về họ vì tiếng nói của họ quá yếu ớt trong khi báo chí không ý thức được cần phải biện hộ cho những người “không có tiếng nói” này.

Ở một khía cạnh khác, khi viết về đời sống chính trị - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, báo chí ít khi nhìn nhận những nỗ lực hội nhập của các tộc người vào đời sống chung của quốc gia - dân tộc. Thay vào đó, các bài viết về chủ đề này lại thường tuân theo một mô-týp chung nhằm tạo ra hình ảnh phổ biến về các tộc người thiểu số với ba đặc điểm chính là: 1) ngây thơ - dễ bị kích động; 2) cả tin - dễ bị lợi dụng; 3) thiếu hiểu biết – dễ sa ngã vào tệ nạn. Cách nhìn vấn đề như vậy rõ ràng là phiến diện, nặng về chủ quan và áp đặt. Nhưng tiếc thay nó cứ lặp đi lặp lại trên các trang báo mỗi khi đề cập đến thực trạng an ninh xã hội ở vùng núi của đất nước.

Tình trạng đói nghèo và sự hoành hành của các tệ nạn xã hội ở vùng các dân tộc thiểu số miền núi cũng thường được các nhà báo mô tả bằng những ngôn từ của bi kịch, do đó làm trầm trọng thêm vấn đề. Bản thân những câu chuyện về miền núi ấy tự nó đã thể hiện quan điểm phổ biến của báo chí rằng cần thiết phải có sự can thiệp và giúp đỡ từ nhà nước và tộc người đa số có văn minh cao hơn để cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”, giống như những khẩu hiệu mà chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên các con đường dẫn đến vùng núi ở Việt Nam. Do ảnh hưởng bởi định kiến “tiêu cực nhiều hơn tích cực” nên khi viết về các dân tộc thiểu số, báo chí thường không tìm thấy những động lực và năng động của người dân địa phương trong nỗ lực phát triển, ngược lại “bi kịch hóa” lối sống của họ. Hệ lụy từ cách tiếp cận này là nó góp phần tạo ra hình ảnh tiêu cực và méo mó về các tộc người thiểu số trong con mắt đọc giả, phần đông thuộc tộc người đa số, và do đó làm tăng khoảng cách miền xuôi và miền ngược, thiểu số và đa số mà chính sách của nhà nước Việt Nam luôn nói cần phải làm ngắn lại.

4. Căn nguyên của tình trạng rập khuôn và dán nhãn văn hóa

4.1. Nhà báo và đọc giả

Mỗi nền văn hóa và cộng đồng tộc người đều có một hệ thống cấu trúc xã hội của riêng mình, trong đó bao gồm hệ thống tri thức về sản xuất, lối sống, các giá trị đạo đức và những ràng buộc về mặt xã hội và tinh thần. Tất cả các yếu tố này tạo nên một hệ giá trị và một nội lực riêng để tồn tại, thích ứng và phát triển. Trên thực tế, các giá trị và động lực phát triển của các cộng đồng tộc người luôn được biểu hiện rất sinh động, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao báo chí lại thường lờ đi những tầng sâu văn hóa vốn làm nên sức sống của các tộc người để chỉ nhìn thấy, mô tả và cung cấp những thông tin hời hợt theo một định hướng có vẻ như “vô thức”? Tôi cho rằng cần phải truy tìm nguyên nhân ở những nền tảng tri thức đã ngấm ngầm ăn sâu và thấm nhuần vào cách tư duy của giới làm báo để mỗi khi nói về “kẻ khác”, cái “vô thức” ấy lại trỗi dậy và mách bảo nên làm như thế nào. Tôi sẽ cố gắng phân tích giả thiết này bằng cách nhìn lại các lý luận trong nhân học để xem chúng có mối liên hệ thế nào đến cách đưa tin của báo chí. Tuy nhiên, trước khi mổ xẻ nguyên nhân sâu xa này, tôi muốn thêm rằng thành phần tộc người của nhà báo và thị hiếu của các đối tượng đọc giả mà họ hướng tới cũng là những nhân tố cần được xem xét vì nó chắc chắn có tác động đến loại thông tin mà họ thu thập, cách lý giải vấn đề và đưa những thông tin ấy đến với đọc giả. 

Không có thống kê nào cho biết thành phần tộc người của tác giả những bài viết có liên quan đến các dân tộc thiểu số nhưng căn cứ vào hồ sơ đăng ký của hơn 50 nhà báo chuyên viết về các dân tộc thiểu số tại hội thảo về báo chí tháng 11 năm 2009 ở Hà Nội, tôi thấy tuyệt đại bộ phận đều xuất thân từ dân tộc đa số (người Kinh), và không có nhiều nhà báo được đào tạo hoặc viết chuyên sâu về các tộc người thiểu số. Đưa ra nhận xét này, tôi không hề có ý phân biệt, mà chỉ muốn nói lên một thực tế rằng phần lớn các tác giả đang nói về các tộc người có nền văn hóa và hệ giá trị khác với họ. Điều này có nghĩa rằng các tin bài mà báo chí đưa đến cho đọc giả thường chỉ được nhà báo “nhìn từ bên ngoài”, với tư cách là một người quan sát, và vì vậy, họ thường lý giải vấn đề của các tộc người thiểu số bằng các trải nghiệm riêng mà họ có được từ nền văn hóa của chính mình. Có thể xem đây như là một khoảng cách tri thức giữa nhà báo và đối tượng mà họ phản ánh. Cách nhìn vấn đề bằng con mắt của người ngoài cuộc như vậy cũng là đặc điểm phổ biến thường thấy trong các công trình nghiên cứu về văn hóa các tộc người trong nhân loại học. Nhà thơ Dương Thuấn, một người Tày làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu về tình trạng báo chí hiểu sai văn hóa các tộc người như là một sự “xúc phạm” đến tình cảm thiêng liêng về tộc người của mình:
“Lắm lúc nghe trên truyền hình, đọc trên sách báo thấy người ta nói và viết sai về văn hóa của dân tộc mình thì cũng đành ngậm ngùi vậy thôi. Tâm lý của người dân tộc khi đã bị xúc phạm thường quay lưng đi hơn là nói lại... Tôi cũng giống như nhiều người dân tộc thiểu số khác là thấy trong nhiều trường hợp các nhà nghiên cứu phương Tây họ hiểu đúng và trân trọng văn hóa dân tộc thiểu số hơn ta”.[[9]]
Để khắc phục cách nhìn phiến diện từ quan điểm chủ quan của người quan sát, các nhà nhân học thường tham gia vào đời sống của các cộng đồng bản địa mà họ nghiên cứu để nhìn văn hóa từ quan điểm của chính người bản địa chứ không phải từ cách nhìn áp đặt từ bên ngoài. Các nhà báo chắc chắn không có nhiều thời gian để làm như vậy, nhưng họ vẫn có thể thấu hiểu vấn đề từ bên trong bằng cách cố gắng đặt mình vào trong bối cảnh xã hội cụ thể mà họ đang nói tới thay vì chỉ giải thích hiện tượng từ quan điểm chủ quan của mình. Nhà báo Lang Quốc Khánh, một người Thái ở Nghệ An đề xuất rằng viết về đồng bào dân tộc, cần phải hiểu đúng văn hóa của họ, và muốn làm được như vậy, nhà báo phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: (1) Phải tôn trọng bản sắc văn hóa của tộc người; (2) Phải tư duy theo lối tư duy của tộc người. Hai nguyên tắc này thể hiện đạo đức nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của nhà báo.[[10]]

Một vấn đề có ảnh hưởng đến loại hình thông tin và cách đưa tin của báo chí là đối tượng đọc giả mà họ đang hướng tới. Các báo Việt Nam đưa tin bài về các tộc người thiểu số chủ yếu nhắm vào số đông đọc giả thuộc nhóm dân tộc đa số, những người có nhu cầu tìm hiểu về tình hình chính trị - xã hội và các nền văn hóa của các tộc người khác với văn hóa của họ.[[11]] Thực ra, cho đến nay chưa có những điều tra xem đồng bào các dân tộc thiểu số có đọc báo không, ai đọc, tờ báo nào được đọc nhiều nhất, và phản hồi về các tin bài liên quan đến tộc người của họ thế nào. Tuy nhiên, bằng vào phân tích cảm quan, chúng ta có thể biết chắc một điều, đó là không có nhiều người dân tộc thiểu số đọc báo in. Hầu hết các báo phát miễn phí được chỉ định đưa tới các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã và đồn biên phòng. Một vài tờ báo được phát đến cấp thôn bản hay trường học nội trú nhưng số bản rất hạn chế. Vì thế chúng ta có thể giả thiết rằng ngoài một số ít công nhân viên chức là người thiểu số có cơ hội tiếp xúc với báo chí, số còn lại hầu như đứng ngoài cuộc. Vả lại, văn hóa đọc đối với người thiểu số còn quá xa vời do hạn chế về ngôn ngữ phổ thông và các mối quan tâm đến đời sống chính trị xã hội của đất nước mà dường như còn xa vời đối với họ. Nói như vậy để thấy rằng khi đưa tin bài liên quan đến các tộc người thiểu số thì các báo viết đương nhiên phải hướng đến các đọc giả đa số vì nhóm đọc giả này muốn thỏa mãn tính tò mò về những điều khác lạ với văn hóa của họ. Nhắm vào số đọc giả này, các báo cũng giải quyết được mâu thuấn giữa nhiệm vụ tuyên truyền và tăng bản để nâng cao doanh số. Tuy nhiên, lối đưa tin theo kiểu ‘dán nhãn’ thường để lại những hệ lụy khó lường. Ông Cư Hòa Vần cho rằng những thông tin có tính áp đặt như vậy rất tai hại vì:
“Nó tác động sai vào suy nghĩ, nhận thức của chúng ta. Thực ra người dân tộc thiểu số có nhiều tập quán, phong tục rất tốt đẹp. Nhưng có thời ta không hiểu, cho là lãng phí, mất trật tự và cấm. Trong lao động sản xuất, mình cứ nghĩ đồng bào là lạc hậu, phải cầm tay chỉ việc. Nhưng thực ra phải nói đồng bào có rất nhiều kinh nghiệm quý. Vì ở hoàn cảnh, điều kiện hiểm trở như thế mà người ta vẫn làm ăn được, như trên núi đá Mèo Vạc, bảo người ta lạc hậu, nếu ta vào đó có khi chết đói trước”.[[12]]

4.2. Những ám ảnh “tiến hóa luận”và tư tưởng “vị dân tộc’

Theo quan niệm phổ biến trong nhân loại học văn hóa, bất luận khái niệm văn hóa có được định nghĩa như thế nào đi chăng nữa thì về căn bản, nó đều có thể được quy về ba thành tố chính:
(1) Các hiện vật văn hóa (ví dụ: nhà cửa, ruộng nương, quần áo, thức ăn, công cụ sản xuất, phương tiện sinh hoạt, v.v.);
(2) Các hành vi văn hóa và trạng thái tình cảm (ví dụ: cách người ta ứng xử với nhau và ứng xử với thiên nhiên, những hành động và cách biểu lộ cảm xúc của họ);
(3) Các tri thức văn hóa, tức hệ thống kiến thức mà người ta tích lũy được qua những con đường khác nhau.

Trong ba thành tố nói trên thì tri thức văn hóa là quan trọng nhất vì nó quy định cái cách mà người ta làm ra các hiện vật văn hóa, người ta ứng xử với nhau và ứng xử với tự nhiên. Nếu như hai thành tố đầu tiên (hiện vật và hành vi văn hóa) có thể quan sát được vì nó hiển hiện thì yếu tố thứ ba (tri thức văn hóa) lại khó có thể nhìn thấy vì nó vô hình. Thông thường, chúng ta tìm cách để hiểu được tri thức văn hóa thông qua việc phân tích các hiện vật mà người ta làm ra, cách người ta hành động, và lắng nghe cách người ta nói. Nhưng chính ở đây lại bộc lộ một vấn đề nan giải: Chúng ta giải thích các hiện vật và hành động văn hóa mà chúng ta quan sát được như thế nào? Văn hóa mà ta nhìn thấy được mới chỉ là một phần cái mà ta biết. Phần lớn tri thức văn hóa giống như những tảng đá ngầm, chúng ta không thể nhận ra ngay tức thì, vì nó tiềm ẩn đâu đó trong tâm hồn người ta, và chỉ nảy sinh trong các tình thế cụ thể nào đó để từ đây, ta hiểu được tri thức văn hóa tiềm ẩn trong họ. Đây chính là nguyên nhân tại sao khi mô tả các hiện vật và hành vi văn hóa, tức phần nổi của văn hóa, thì người ta không có nhiều bất đồng nhưng khi giải thích ý nghĩa tàng ẩn trong các hiện vật, hành vi văn hóa và mối liên hệ của chúng với tri thức văn hóa thì người ta lại tranh cãi rất nhiều. Tôi cho rằng cội nguồn của sự khác biệt này xuất phát từ hai yếu tố: (1) những trải nghiệm cá nhân; và (2) những quan niệm có tính lý luận mà bản thân nhà nghiên cứu/nhà báo chịu ảnh hưởng. Hai yếu tố này luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt các nhà báo khi họ giải thích văn hóa.

Cho đến nay, khoa văn hóa học đang phát triển ở Việt Nam vẫn chưa đạt được những tiến bộ về mặt lý luận nhằm giúp hiểu đúng bản chất của các hiện tượng văn hóa. Từ báo chí đến các công trình nghiên cứu khoa học, ta vẫn thấy nhan nhản những nhận xét về văn hóa các dân tộc thiểu số là “chậm tiến bộ”, “lạc hậu”, “tàn dư của xã hội nguyên thủy”. Bằng cách nhìn như vậy, chúng ta đã tuyệt đối hoá quá trình phát triển của văn hoá loài người theo các thang bậc xã hội cao thấp, và do đó không nhìn thấy tính đa dạng và khác biệt của các nền văn hoá khác nhau. Thực ra, đây là một lập luận cũ rích, đã trở nên lỗi thời vì nó đã được phát triển từ thời thực dân nhằm biện hộ cho quá trình xâm lăng và đô hộ các dân tộc nhược tiểu dưới chiêu bài “khai sáng văn hóa”. Chúng ta đã tiếp thu cái tư tưởng này vào trong cách giải thích văn hóa của mình một cách thiếu phê phán, chia văn hóa các tộc người theo những giai đoạn phát triển cao thấp để từ đó ngày ngày cỗ máy tuyên truyền của chúng ta vẫn ra rả rêu rao khẩu hiệu “đem ánh sáng văn hóa miền xuôi lên khai hóa cho miền núi”[[13]]. Ngày nay, thay vì xem các nền văn hóa khác là lạc hậu và nguyên thuỷ, các nhà khoa học đã thừa nhận tính đa dạng như là một đặc điểm phổ quát của nhân loại, tức là thừa nhận và dung nạp sự khác biệt của các nền văn hoá khác. Tư tưởng này vừa là “phương pháp luận nghiên cứu nhân học”, vừa là “đạo đức của nhân học”, và nó đã luôn đứng ở vị trí chi phối các phân tích về văn hoá của các tộc người trên thế giới hiện nay.[[14]]

Một quan niệm khá phổ biến vẫn đang ngự trị cái cách chúng ta mô tả văn hóa các dân tộc trong đó cho rằng các giá trị văn hóa của tộc người thường lắng đọng ở một tầng sâu hơn. Tầng văn hóa này được xem như những yếu tố trường tồn của văn hóa, hay có người thích ví von, gọi đó là những “trầm tích văn hóa”. Gọi là trầm tích vì nó ít biến đổi, và do đó giúp ta nhận diện được bản sắc tộc người. Không có cơ sở để xem xét mức độ ảnh hưởng của quan niệm này nhưng có thể thấy hầu hết các nghiên cứu về văn hóa tộc người của chúng ta đều cố gắng đi tìm những “hồi âm của quá khứ”. Những nghiên cứu này mô tả các hiện tượng văn hóa như thể chúng tồn tại “không có thời gian, luôn ở trạng thái tĩnh tại không biến động”[[15]], thậm chí nhìn văn hóa các tộc người thiểu số vẫn như còn phảng phất cái hơi thở của một thuở “hồng hoang”. Rõ ràng cái cách mà báo chí “huyền bí hóa” các hiện tượng văn hóa, tập trung phản ánh các tập tục lạ “cổ xưa” có một mối liên hệ nào đó với cách tiếp cận này. Thực ra, cần phải thấy rằng văn hóa không phải là cái gì đó bất biến mà ngược lại, nó thường xuyên tiếp nhận, thích ứng và đổi thay. Bằng cách nhìn văn hóa như một hiện tượng tĩnh tại, như những giá trị vĩnh hằng không biến đổi, chúng ta vô tình phủ nhận văn hoá như một năng động xã hội và do đó, dễ sa vào chủ nghĩa bản địa, coi thường các yếu tố ngoại sinh và không nhìn thấy sức sống của các yếu tố nội sinh.

Đã có một thời các nhà nghiên cứu có khuynh hướng đề cao các trung tâm văn hóa và cho rằng từ các trung tâm này, văn hóa được khuyếch tán ra các vùng ngoại vi. Nói cách khác, ngoại vi là vùng chịu sự tác động của trung tâm, nó không chỉ “bị thu hút bởi trung tâm mà còn tiếp nhận một cách thụ động sự lan tỏa văn hóa từ trung tâm”. Do vậy, “ngoại vi văn hóa bao giờ cũng tĩnh lặng, ít sôi động hơn so với trung tâm”. Vận dụng lý thuyết này vào nghiên cứu Việt Nam, các nhà nghiên cứu cho rằng Thăng Long - Hà Nội đã luôn luôn là đất “tụ nhân, tụ tài” để trở thành “tinh hoa của cả nước”.[[16]] Về mặt lô-gic hình thức mà nói, lập luận này có vẻ dễ được chấp nhận, nhưng khi vận dụng nó vào xem xét văn hóa các tộc người Việt Nam chúng ta thấy lý luận này có vấn đề.

Trước hết, không ai có thể phủ nhận Thăng Long Hà Nội là trung tâm của cả nước, nhưng nhìn văn hóa trong một không gian rộng hơn biên giới quốc gia, ta thấy còn có những trung tâm văn hóa khác. Từ trước đến nay chúng ta thường có thói quen lấy đường biên giới chính trị của quốc gia để phân loại trung tâm và ngoại vi, trong đó thủ đô mặc nhiên được thừa nhận là vùng trung tâm, nhưng vùng ảnh hưởng hay ngoại vi của nó tới đâu thì không chỉ ra được. Thực ra, hầu hết các tộc người thiểu số ở Việt Nam đều là các tộc người xuyên biên giới. Họ chỉ là thiểu số trong biên giới lãnh thổ quốc gia nhưng không gian cư trú của các tộc người này bao trùm trên cả một không gian địa lý liền khoảnh rộng lớn hơn. Không gian văn hóa do đó không thể trùng khít với không gian lãnh thổ của một quốc gia mà có thể bao gồm một vùng rộng lớn hơn nhiều. Nếu chúng ta lấy Hà Nội làm trung tâm, chúng ta dường như thừa nhận vùng núi là “vùng sâu, vùng xa” hay còn gọi là “vùng ngoại vi”. Nhưng các vùng ngoại vi này chưa chắc đã chịu ảnh hưởng của văn hóa trung tâm Thăng Long – Hà Nội. Nhìn trên một không gian địa lý rộng hơn trong chiều sâu của lịch sử, ta thấy văn hóa Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo, trong khi nhiều tộc người khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn độ giáo. Tập trung vào một không gian hẹp hơn, ta thấy có các tiểu trung tâm văn hóa như Việt, Chăm, Khmer và Thái. Như vậy rõ ràng văn hóa của nhiều tộc người ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của những trung tâm văn hóa khác nhau ngoài văn hóa Việt.

Nếu mặc nhiên thừa nhận Thăng Long – Hà Nội là trung tâm, chúng ta có vẻ như thừa nhận vùng cư trú của các tộc người thiểu số ở miền núi là ngoại vi, nơi mà chúng ta vẫn thường gọi là vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, xem xét các trung tâm văn hóa vùng như đã phân tích ở trên, ta thấy văn hóa các tộc người ở các “vùng sâu vùng xa” chưa chắc đã là ngoại vi mà ngược lại có thể gần hơn với các trung tâm văn hóa khác Việt. Do đó lấy địa giới hành chính quốc gia để phân loại trung tâm và ngoại vi có thể sẽ dẫn đến ngộ nhận văn hóa của tộc người đa số là trung tâm, và văn hóa các tộc người thiểu số là ngoại vi. Thực ra, lý luận về văn hóa trung tâm và ngoại vi đã trở nên lạc hậu từ lâu vì nó phủ nhận những năng động địa phương khi cho rằng vùng ngoại vi chỉ là vùng chịu ảnh hưởng và có tính thụ động. Nguy hiểm hơn, trong một quốc gia đa tộc người, lý luận này ngấm ngầm tạo cơ sở cho tư tưởng lấy tộc người đa số làm chuẩn mực và nhìn các tộc người thiểu số ở vị trí bị động, phụ thuộc, trông chờ và ỷ lại vào trung tâm. Tôi tin rằng cái cách mà báo chí mô tả thân phận phụ thuộc và văn hóa lạc hậu của các tộc người thiểu số ở Việt Nam đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của luận thuyết đã lỗi thời này.

Trong quá khứ, dù nói ra hay hành động một cách ngấm ngầm, các nhà cai trị nói chung đều ủng hộ xu hướng đồng hóa văn hóa, lấy văn hóa của người đa số làm trung tâm để uốn nắn văn hóa của các tộc thiểu số, làm cho nó xích gần lại văn hóa của người đa số. Ngày nay, người ta thấy chính sách dân tộc ở nhiều quốc gia đã có sự thay đổi căn bản mà trọng tâm của thay đổi này là chuyển từ tư tưởng đồng hóa sang hội nhập văn hóa, làm cho các tộc người thiểu số hòa vào dòng chảy chung của đất nước bằng bản sắc và nội lực riêng của họ thay vì cố gắng làm cho văn hóa của họ giống với người đa số. Hoạt động tuyên truyền của báo chí nên đi theo hướng này thay vì phê phán cái khác biệt trong văn hóa “của họ” (người thiểu số) với văn hóa “của ta” (người đa số) để rồi kêu gọi từ bỏ truyền thống riêng của các dân tộc thiểu số mà ta quy kết là lạc hậu và mông muội. Nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Cư Hòa Vần đồng ý rằng những phong tục tập quán nào không có lợi cho nòi giống dân tộc, cho sức khỏe và đoàn kết dân tộc thì loại bỏ. Nhưng “loại bỏ cái gì, phát huy thế nào cũng phải bàn bạc để người ta phát huy chứ không phải để mình phát huy hộ người ta” [[17]].


4. Kết luận

Các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Việt Nam đang đứng trước những xung đột giữa phát triển, hội nhập và bảo tồn bản sắc văn hóa. Một mặt, miền núi không thể và cũng không còn được duy trì như cũ mà phải thay đổi để phát triển. Nhưng mặt khác, quá trình phát triển luôn đi song hành với những hệ lụy như làm mất bản sắc văn hóa và tàn phá môi sinh. Giải quyết được mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn văn hóa các tộc người là một nan đề của miền núi hiện nay. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng phát triển không phải là giải pháp mà là vấn đề. Có rất nhiều vấn đề cần được nhìn nhận trong quá trình phát triển như đói nghèo, kỳ thị, mất bản sắc, v.v... Có người nghĩ rằng vấn đề cấp bách hiện nay là giải quyết đói nghèo và nếu cần, có thể hy sinh văn hóa. Thực ra, nếu phát triển mà mất bản sắc thì sự phát triển ấy trở nên vô nghĩa. Vấn đề là phải sử dụng văn hóa của các dân tộc vào quá trình phát triển, và phát triển phải hướng đến bảo tồn được bản sắc văn hóa các tộc người. Giải quyết thành công mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa phải là mối quan tâm lớn trong hệ thống chính sách dân tộc của Nhà nước. Báo chí có vai trò cực kỳ to lớn trong vấn đề này vì chỉ có báo chí mới làm được cái cầu nối giữa nhà nước và cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hình ảnh về các tộc người thiểu số mà báo chí đang tạo ra có nguy cơ làm rộng thêm khoảng cách giữa người đa số và thiểu số. Thay vì tôn trọng sự đa dạng và khác biệt văn hóa, báo chí có xu hướng lấy quan điểm và nhận thức của người đa số làm trung tâm để phán xét văn hóa của người thiểu số. Báo chí thay vì lắng nghe, thấu hiểu và biện hộ cho các tộc người thiểu số lại tập trung phê phán và dán nhãn cho tập quán và lối sống của họ là “nguyên thủy” và “lạc hậu”.

Thực ra, coi nhẹ văn hóa người thiểu số cũng là tình trạng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đã được Dixon (2000) khái quát thành một luận thuyết mà ông gọi là “ethnic blame discourse” [[18]], trong đó tình trạng rập khuôn, dán nhãn và cường điệu thường là căn nguyên đẻ ra những hình ảnh méo mó về các tộc người thiểu số.[[19]] Trong tiến trình đi đến một xã hội công dân thì sự phản ánh thông tin hai chiều có ý nghĩa quyết định tạo ra đồng thuận. Việt Nam là một đất nước đa tộc người, và mỗi tộc người đều có nền văn hóa và lối sống riêng của họ. Chính những bản sắc riêng này góp phần tạo nên hình ảnh một quốc gia giàu hương sắc văn hóa. Phản ánh sai lệch hình ảnh các dân tộc, lấy người đa số làm trung tâm để phán xét văn hóa của người thiểu số đều có nguy cơ dẫn đến phá vỡ khối đoàn kết các dân tộc. Lắng nghe, thấu hiểu và biện hộ cho những tiếng nói yếu ớt của các tộc người chính là mang hơi thở sống động từ những nền văn hóa độc đáo giầu bản sắc đến với xã hội, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giảm thiểu xung đột, cải thiện và đổi mới chính sách của nhà nước để xây dựng một xã hội hài hòa, tiến bộ và văn minh.  



Chú thích:


[[1]] Bài viết này là một phần của đề tài nghiên cứu về định kiến sắc tộc ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Xã hội và Môi trường (iSEE) chủ trì. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã được thảo luận với khoảng 50 nhà báo tại Câu lạc bộ Báo chí Việt Nam (11/2009) và đại diện các tổ chức phi chính phủ có quan tâm đến vấn dề dân tộc thiểu số ở Việt Nam (2/2010).

[[2]] Theo danh mục các dân tộc do chính phủ công nhận tại Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02 tháng 3 năm 1979, Việt Nam có 54 dân tộc, thuộc về 5 nhóm ngôn ngữ chính là Môn – Khmer, Tày – Thái, Hmong – Dao, Hán - Tạng, và Kadai (http://www.gso.gov.vn). Tổng điều tra Dân số 2009 cho biết dân số các tộc người thiểu số chiếm tỷ lệ 13.8% tổng dân số cả nước, (http://www.indexmundi.com/vietnam).  

[[3]] Oscar Salemink (2000), “Sedentarization and Selective Preservation among the Montagnards in the Vietnamese Central Highlands,” in Turbulent Times and Enduring Peoples: Mountain Minorities in the South-East Asian Massif, ed. Jean Michaud and Jan Ovesen (Richmond, UK: Curzon), 129.

[[4]] Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp trong một trả lời phỏng vấn báo chí, đã tuyên bố: “Báo chí cũng giống như người tham gia giao thông, cứ đi đúng lề đường bên phải thì sẽ an toàn và được tự do”. Tuổi Trẻ, ngày 3 tháng Tám 2007.

[[5]] Các phân tích định lượng trình bầy trong báo cáo này được rút ra từ một phân tích chi tiết hơn do các nghiên cứu viên  Nguyễn Thị Tuyết Minh, Bùi Thu Hương, Phạm Hương Trà và Phạm Thị Vân thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội tiến hành. Nhân đây, tôi xin cảm ơn ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE đã khuyến khích và tạo điều kiện, và nhóm các nhà nghiên cứu trẻ thuộc Học viện Báo chí & tuyên truyền đã giúp thu thập và phân tích thông tin.

[[6]] Sự kiện nhiều tộc người Tây Nguyên tụ tập biểu tình đòi quyền tiếp cận đất đai, tự do tôn giáo và tự trị xảy ra đầu năm 2000 và những năm tiếp theo có lẽ đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động của nhà nước tại khu vực này, và cắt nghĩa tại sao báo chí lại đưa nhiều tin bài về các hoạt động trợ giúp ở vùng này.

[[7]] Chúng tôi cho rằng định kiến dân tộc là những quan niệm, nhận thức và hành vi mang tính tiêu cực của thành viên tộc người này đối với tộc người khác. Biểu hiện của định kiến dân tộc là xu hướng giải thích sai lệch hoặc cường điệu những đặc điểm về nguồn gốc lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần của một tộc người hay một nhóm tộc người dựa vào thiên kiến chủ quan có sẵn.

[[8]] & [11] & [16] “Đừng ngộ nhận văn hóa dân tộc” (http://www.vtv4.vn, ngày 29/6/2009).

[[10]] Lang Quốc Khánh (2009), Viết về đồng bào dân tộc cần hiểu đúng văn hóa. ICT News, 20/01/2009.

[[11]] Theo TTXVN, cơ quan này có tới 4/6 ấn phẩm dành phục vụ riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ấn Bản tin ảnh Dân tộc thiểu số & miền núi được phát hành miễn phí trên 5.000 xã, 400 huyện và gần 50.000 thôn, bản của 52 tỉnh có miền núi trong cả nước, số lượng phát hành mỗi kỳ là 55.000 bản.

[[13]] Nhà thơ Dương Thuấn tranh luận: “Tại sao người dân Thủ đô được coi là có văn hóa nhất mà đi xem triển lãm hoa lại bẻ nát hết hoa, đấy là một hành vi cực kỳ vô văn hóa. Điều đó nói lên rằng người dân thành thị chưa hẳn đã có trình độ, ý thức về văn hóa cao hơn người dân ở nông thôn và miền núi. Thế mà hàng ngày, chúng ta vẫn tuyên truyền "đem ánh sáng văn hóa miền xuôi lên khai hóa cho miền núi". Xem: Đừng ngộ nhận văn hoá dân tộc (http://www.vtv4.vn ngày  29.6.2009).

[[14]] Nguyễn Văn Chính (2007), Một thế kỷ dân tộc học Việt Nam, và những thách thức trên con đường đổi mới và hội nhập. Văn hoá Dân gian, Số 5(113), 2007, tr. 47- 67.

[[15]] D. Marr, World Bibliographical Series: Vietnam. Oxford: Clio Press, 1992.

[[16]] Ngô Đức Thịnh (2007), Lý thuyêt “trung tâm ngoại vi” trong nghiên cứu không gian văn hóa. Tạp chí Văn hóa Dân gian.

[[18]]  Dixon, T. L., & Linz, D. (2000). Overrepresentation and underrepresentation of African Americans
and Latinos as lawbreakers on television news. Journal of Communication, 50(2), 131-154.

[[19]] Wilson II, C. C., & & Gutierrez, F. (1995). Race, multiculturalism, and the media: From mass to class
 communication. Thousand Oaks, CA: Sage.

Tóm tắt bài viết bằng tiếng Anh

The Portrayals of Ethnic Minorities in Vietnam’s Print Press

 

Abstract


Based on the content analysis of a purposive sample of 500 articles collected from four popular newspapers in three years 2004, 2006 & 2008, this paper explores the way how members of ethnic minorities are portrayed in Vietnam’s news coverage, especially in the print press. My main concern is how the diverse cultures and lives of ethnic minority groups are portrayed and interpreted and how these portrayals may affect our perceptions. Results indicated that ethnic minorities were primarily portrayed as some one who is naive and passive, easily being used by the wrongdoers, and lack of the efficient knowledge. Three most popular trends that newspapers tend to focus on include: 1) Exoticisation of ethnic customs and practices, describing them as mysterious strange facts; 2) Romanticisation of mountainous region with beautiful landscape where the strange customs of love and especially the sexy images of mountain women are often emphasised; 3) Dramatisation of ethnic minorities’ lives, depicting them as people without vitality and their poverty is driven by social ills such as alcoholic and drug abuse, ignorance and relying on the State’s support.  
 
While singing loudly the praises of State’s ethnic policies, such issues as politics, ethnic festivals, starnge customs, ethnic tourism, and “good” exemplary ethnic individuals received significant coverage, and issues relating to negative impacts of governmental development projects/program within the ethnic minority areas and their powerful internal forces received scant attention. As I see it, there is an obvious shortage of empathy and advocacy of reporters when they depict the image of ethnic minorities. This tendency is particularly problematic in a multicultural country like Vietnam where the ethnic minorities take up almost 14 percent of total population and State’s ethnic policies alway calls for an equality and mutual support among ethnic groups. The possible effects of exposure to such issues are reinforcement of differences between ethnic majorities and ethnic minorities rather than the promotion of interethnic co-existence as said in the state policies ans laws. These findings are expected to enrich the existing research on the effects of media portrayal of ethnic minorities on inter-group relations, provide insights into the pervasive of stereotyping in the media and offer implications for combating stereotyping and encouraging healthier, more realistic portrayals of ethnic minorities.

1 nhận xét:

  1. cảm ơn bài viết của bạn rất hữu ích, nếu có nhu cầu mua chăn ga tham khảo bên mình nhé

    chăn ga sông hồng chính hãng

    Trả lờiXóa